4
Tôi nhìn người quen cũ đang đứng trước mặt, mắt đảo trắng rồi ngã vật xuống ghế.
Cả phòng giáo viên lập tức rối như nồi lẩu thập cẩm.
Người thì bấm nhân trung, người thì phe phẩy quạt, người khác vội vàng rót nước cho tôi…

“Cô Lê? Cô Lê? Cô không sao chứ?”
Tôi nhìn từng gương mặt lo lắng trước mắt, mặt trắng bệch, thều thào như sắp trút hơi cuối:
“Không sao… tôi không sao…”

Kỳ Dã chắc chắn là đến để bàn chuyện học tập của em gái mình.
Chắc chắn không phải đến để gây chuyện.
Nhất định là như vậy!

Tôi uống một ngụm nước để bình tĩnh lại, kéo Kỳ Dã ra ngoài hành lang:
“Kỳ Dã, cậu tới đây làm gì?”
Tôi níu lấy tia hy vọng mong manh cuối cùng:
“Là tới nói chuyện học hành của em gái cậu… đúng không?”

Nhưng chỉ một giây sau, tia hy vọng ấy đã bị dập tắt không thương tiếc.

“Không.”
“Nghe nói có cô giáo dạy Vật lý đơn độc như bông mẫu đơn, bị giục cưới gấp quá nên đã đăng tin tuyển chồng công khai.”
Cậu ta khoanh tay trước ngực, nhướng mày cười:
“Tôi đến xem náo nhiệt.”

Câu “bông mẫu đơn solo” đó đâm thẳng vào tim tôi, suýt nữa tôi thổ huyết ngay tại chỗ.
Sao một câu lạnh lùng như vậy lại có thể thốt ra từ cái miệng ấm 37 độ của cậu ta được chứ?!

Không yêu đương hồi cấp ba thì khỏi nói rồi.
Đến đại học, bốn năm trời tôi chỉ chăm chăm vào việc học, thi cử, làm gia sư, chẳng còn tâm trí yêu đương.
Bây giờ đi làm thì sao? Ngày nào cũng bị gia đình giục cưới, sắp xếp đi xem mắt.

Mà xem mắt thì… ôi thôi, thật sự quá vô vọng.
Ví dụ tháng trước, một người họ hàng xa bên dì hai nói muốn giới thiệu cho tôi một “người đàn ông trưởng thành, chín chắn”.
Ừm, đúng là “chín chắn” thật… hơn 40 tuổi rồi còn gì.

Lại ví dụ hàng xóm giới thiệu một “cực phẩm nam” — có nhà, có xe, có tiền tiết kiệm.
Nhưng… đã ly hôn và có con riêng.
Tôi đâu có sở thích làm mẹ kế hộ ai!

Thật là quá sức tưởng tượng!
Quá sức chịu đựng!

Tôi mặt không cảm xúc, cười khan hai tiếng:
“Đúng vậy đó, ba mẹ tôi thấy đám bạn cùng tuổi cưới hết rồi, còn tôi thì đi làm mấy năm mà chẳng có nổi một người yêu, suốt ngày lo sốt vó, giục cưới hoài, phiền chết đi được.”

Kỳ Dã khoanh tay sau lưng, đi qua đi lại vài bước, cuối cùng dừng trước mặt tôi, nói một câu khiến tôi vô cùng sửng sốt.
Cậu ta bảo, dạo này cũng đang bị gia đình giục cưới. Chi bằng hai đứa chúng tôi bắt tay diễn một vở kịch, thay nhau đến nhà đối phương để đối phó với phụ huynh.

Tôi âm thầm khinh bỉ trong lòng:
Kỳ Dã rõ ràng là không có hứng thú với con gái, vậy mà không dám nói thật với gia đình, còn phải vất vả tìm người diễn kịch để lừa qua lừa lại, đúng là hại người hại mình.

Nếu tôi đồng ý giúp cậu ta đóng kịch lừa người, thì có khác nào bán đứng linh hồn mình không?
Cho nên —
Phải thêm tiền.

“Không vấn đề,” tôi lập tức đồng ý, “nhưng diễn thì cũng phải có phí vất vả chứ.”
“Mỗi lần diễn — giá này, được chứ?”
Tôi giơ hai ngón tay, lắc qua lắc lại, ra hiệu: 200 tệ.

Cậu ta gật đầu: “Không vấn đề.”
Sau đó cúi đầu thao tác trên điện thoại.
Một giây sau —

“Đinh——”
Tin nhắn Alipay: bạn nhận được 10.000 tệ.

Tôi nhìn số dư tài khoản mình từ hai chữ số nhảy lên năm chữ số, suýt nữa thì nghẹt thở.
!!!
Tôi hít sâu một hơi.
Tôi làm việc quần quật như trâu kéo cày cả tháng mới kiếm được 10.000 tệ!

“Sao thế?”
Ánh mắt cậu ta trong veo, thuần khiết như nai tơ:
“2.000 tệ một lần, tôi đặt trước năm lần, nếu không đủ thì sẽ đặt tiếp, có vấn đề gì không?”

Nhìn mặt cậu ta, tôi không thấy chút nào là đau ví.
À phải rồi, nãy trong văn phòng, Kỳ Tư Hân có nói, anh cô ấy chính là kiểu cao-phú-soái mà tôi đang tìm kiếm.

“Không không không!” Tôi lập tức cười tươi như hoa nở, “Hợp tác vui vẻ nha~”

Cậu ta dịu dàng cong khóe môi:
“Ừ, hợp tác vui vẻ.”

5
Nhóm WeChat “Gia đình yêu thương”:
【Mây Gió Nhẹ Nhàng】vỗ vai tôi và hỏi: Con gái à, con có người yêu chưa?
【Hoa Nở Phú Quý】(tin nhắn thoại): “Thứ bảy tuần sau chị họ con đính hôn nhớ đi nha, ê ôi, khi nào thì con mới dắt được ai về đây?”
【Tôi】: Con có bạn trai rồi ạ.
【Mây Gió Nhẹ Nhàng】: Không phải lại đang vẽ bánh vẽ cho ba mẹ chứ?

Câu này tôi đã nói không biết bao nhiêu lần rồi, lần nào ba mẹ cũng tin sái cổ, cuối cùng lại bị tôi cho leo cây.
Vì thế lần này, họ dứt khoát không chịu tin nữa.

Tôi day trán, lạch cạch gõ trả lời:
“Thật mà, vài hôm nữa con dẫn về ra mắt luôn.”

Để tăng độ tin cậy, tôi còn lén lấy vài tấm ảnh trên trang cá nhân của Kỳ Dã gửi vào nhóm.
Làm xong hết, tôi quăng điện thoại, đi tắm.

Tắm xong trở ra, mở điện thoại thấy có cả đống cuộc gọi nhỡ.
Vừa gọi lại, bên kia đã bắt máy ngay.

Ba mẹ tôi phấn khích đến mức nói liên hồi như súng liên thanh, làm đầu tôi ù cả lên.
Ba tôi bắt đầu với màn “truy vấn tử thần” ba liên hoàn:
“Người thế nào đấy? Bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì?”
Mẹ tôi giành lấy điện thoại: “Hai đứa quen nhau sao vậy?”
Ba: “Quen nhau bao lâu rồi?”
Mẹ: “Cảm thấy hợp không?”

Tôi đã tính trước hết rồi:
Dắt Kỳ Dã về nhà, nói dối là bạn trai tôi để tai tôi được yên mấy hôm;
Vài tháng sau nói với gia đình là “sau khi tìm hiểu thì thấy không hợp nên đã chia tay trong hòa bình”;
Cuối cùng dùng lý do “vẫn chưa bước ra khỏi nỗi đau thất tình” để tiếp tục từ chối mấy buổi xem mắt ba mẹ sắp đặt.

Tính ra thì kế hoạch này cực kỳ hoàn hảo —
Quy ra đơn vị nửa năm đến một năm, tôi được tự do không bị thúc cưới rồi nha!

6
Tối thứ Sáu, tôi vừa đeo ba lô chuẩn bị về thì Kỳ Tư Hân lao vào phòng giáo viên chặn tôi lại, giọng thì thào đầy hóng hớt:
“Chị Lê ơi, chị với anh em… thiệt luôn rồi hả?”

Ngày mai là thứ Bảy, tôi đã nói với gia đình là sẽ đưa “bạn trai” về ra mắt, chắc Kỳ Dã cũng báo với nhà cậu ta rồi.
Mặt con bé cười ngây ngô, cứ như mụ mai mối vừa se duyên thành công cho Nhị Nha và Thiết Ngưu trong làng.

Con nhãi này, đúng là quá thích hóng drama!
Tôi lập tức dựng dáng vẻ nghiêm nghị của một cô giáo, gõ đầu nó từng chữ một:
“Kỳ—Tư—Hân, nếu em rảnh đến mức không có việc gì làm, chị rất sẵn lòng chia cho em mấy chục tờ bài kiểm tra thừa đang cầm đây.”

Nó hoảng hồn hét lên “Aaa!” một tiếng rồi chuồn mất tiêu như tia chớp.
May cho nó chạy nhanh.

Sáng thứ Bảy, cảnh diễn đầu tiên.
Ban đầu tôi nghĩ cả hai bên đều là “diễn viên bất đắc dĩ”, chỉ cần ứng phó qua loa cho xong bữa cơm là được.
Ai ngờ — Kỳ Dã nhập vai đến mức đỉnh cao.

Cậu ta không chỉ ăn mặc chỉnh tề bảnh bao, mà còn từ cốp xe lấy ra mấy hộp quà đã chuẩn bị sẵn.
Tự nhiên tôi lại nhớ tới thời đại học, luôn có mấy người như này:
Giáo sư chỉ yêu cầu nộp bài luận 500 chữ, vậy mà tụi nó phải nộp luôn bài 10.000 chữ, kèm thêm bản trình chiếu thiết kế công phu.
Loại người đó, trong giới học đường chúng tôi gọi là: “trùm cày cuốc”.

Nhưng Kỳ Dã không chỉ dừng ở mức “trùm”.
Vừa bước vào nhà tôi, cậu ta liền chui thẳng vào bếp — rửa rau, thái rau, nấu nướng, chiên xào hấp luộc — mọi công đoạn đều tự tay đảm nhiệm.
Còn tôi thì đứng bên cạnh như món đồ trang trí vô dụng, tạo thành một sự đối lập rõ ràng và nhức nhối.

Đến lúc ăn cơm, ba mẹ tôi bắt đầu màn điều tra thân phận như cảnh sát xét hỏi tội phạm.

Ba tôi là người mở màn trước:
“Tiểu Kỳ này, cháu làm nghề gì vậy?”

Kỳ Dã vừa khéo léo gỡ xương cá bỏ vào bát tôi, vừa bình thản trả lời:
“Cháu mở công ty riêng, tình hình làm ăn cũng tạm ổn ạ.”

Ba tôi gật đầu, khen làm kinh doanh tốt, làm kinh doanh mới kiếm được tiền.
Ước mơ năm xưa của ông là bôn ba khắp nơi, lăn lộn trên thương trường, làm ‘sói già phố Wall’…
Đáng tiếc là suýt nữa lỗ đến độ cái quần lót cũng mất luôn.

Kỳ Dã lại gỡ thêm một đĩa tôm thịt, đổ vào bát tôi, diễn vô cùng tròn vai.

Mẹ tôi tiếp tục tra hỏi:
“Thế hai đứa quen nhau như nào vậy?”
Kỳ Dã không hề do dự:
“Cháu và Thần Thần là bạn học cấp ba. Khi đó hai đứa cũng có chút cảm tình, bây giờ nhờ người gán ghép, liền thành đôi.”

Tôi âm thầm bái phục trình ứng biến và kỹ năng nói dối mặt không đổi sắc của cậu ta.

Ăn xong bữa cơm, Kỳ Dã còn đòi rửa chén.
Tôi nghĩ bụng: lúc nãy nấu ăn tôi đã không giúp gì rồi, giờ đến rửa chén mà còn không đụng tay vào, ba mẹ tôi kiểu gì cũng mắng cho xem.
Khốn kiếp, chơi “cày cuốc” đến mức này là muốn dìm chết tôi luôn đấy à!

Tôi đành cắn răng thu dọn bàn ăn và bát đũa.
Nhìn nụ cười mãn nguyện trên mặt ba mẹ tôi, tôi biết họ rất hài lòng với “con rể giả định” này.
Đến lúc chia tay, họ còn nhất định phải đứng tiễn tận mắt cho đến khi xe Kỳ Dã đi khuất.

Tôi đoán, tháng sau chắc sẽ bắt đầu giục tôi đi đăng ký kết hôn luôn quá.

Xe vừa chạy ra khỏi khu dân cư, ba mẹ tôi đã lập tức đổi mặt, bắt đầu màn “đạp con – nâng người ta”:
“Tiểu Kỳ nhà người ta sao mà hiểu chuyện thế, còn con thì chẳng đụng tay vào việc nhà là sao?”
“Đúng đó, chỉ biết há miệng chờ cơm thôi.”
“Lo mà giữ người ta cho tốt, mau đi đăng ký đi! Người như thế mà để tuột mất thì sau này chỉ có ngồi mà khóc thôi con ạ.”

Lời nói như xát muối, ẩn ý rõ ràng: “Con không xứng với người ta đâu.”

Tối hôm đó, tôi nghiến răng nghiến lợi thề một câu:
Tôi – Lê Thần Thần – cả đời này quyết không đội trời chung với tên “Trùm cày cuốc” Kỳ Dã kia!!