04
Từ khi có thể kết nối mạng trở lại, tôi bắt đầu cày điện thoại thâu đêm suốt sáng để trả thù cuộc đời.
May mà quản gia hiểu rõ cái tật kén chọn và lười nấu nướng của tôi.
Lúc giúp tôi thu dọn hành lý, ông ấy đã nhét vào không ít đồ ăn vặt, giúp tôi không bị chết đói vì chẳng biết nấu ăn.
Chỉ là… đồ ăn vặt rồi cũng sẽ có ngày ăn hết.
Vài ngày sau, tôi đói đến choáng váng, đành chuẩn bị tới nhà bà Vương đầu thôn xin ăn ké.
Vừa bước ra khỏi cửa thì gặp ngay Chu Dã.
Tôi kéo nhẹ khóe môi, định chào anh ta một tiếng:
“Chào buổi sáng, anh…”
Ngay giây tiếp theo, trước mắt tôi tối sầm rồi ngất lịm.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên giường trong căn phòng nhỏ, trong không khí tràn ngập mùi cơm canh thơm phức.
Sườn xào chua ngọt, tôm hấp, rau cải xào tỏi…
Chu Dã khoanh tay ngồi trên ghế, nhìn tôi, không biết đã ngồi đó bao lâu rồi.
“Qua ăn cơm.”
Giọng nói không hề khách sáo, thậm chí còn có vẻ mất kiên nhẫn.
Nhưng tôi chẳng buồn để ý, vội vàng lăn từ trên giường xuống, bò đến bàn ăn.
Tôi ăn như thể đã tám trăm năm chưa được ăn cơm, cắm đầu chén sạch mọi thứ.
Vừa ăn vừa khóc, nước mắt chan cơm suốt nửa tiếng mới dần dừng lại.
Chu Dã im lặng nhìn tôi ăn xong, đứng dậy chuẩn bị rời đi, lúc ấy mới buông câu thứ hai trong ngày:
“Nếu em tự làm mình chết đói, tôi còn phải thu dọn xác cho em, đừng có gây thêm phiền phức cho tôi.”
Không biết tôi lấy đâu ra can đảm, bất ngờ nắm lấy tay anh ta.
Hít hít mũi, giọng nghèn nghẹn như muốn khóc:
“Anh Dã, em không biết nấu ăn, mỗi ngày khi anh nấu cơm, anh có thể nấu thêm một chút cho em không? Em ăn ít lắm, anh chỉ cần nấu thêm một chút xíu thôi…”
Ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến đây, tôi đã ngửi thấy mùi cơm canh thơm lừng từ nhà bên cạnh.
Chỉ là vì tôi sợ Chu Dã, nên không dám mở miệng nhờ anh ta.
Nhưng hôm nay anh ấy không ném tôi ra ngoài mặc kệ sống chết, còn đích thân nấu cơm cho tôi.
Xem ra dì nói đúng, Chu Dã là người ngoài lạnh trong nóng, thật ra rất tốt bụng.
Chu Dã liếc nhìn tôi, lại nhìn hai cái bát cơm trắng trống trơn.
Dường như anh ta đang suy nghĩ xem câu “em ăn ít lắm” có thật hay không.
Mặt tôi bỗng chốc nóng bừng.
Tôi vẫn cố chấp cãi: “Em trả tiền được không? Em sẽ trả tiền cơm!”
Tôi lúng túng lấy ra hai ngàn tiền mặt trong ví.
Đây là số tiền mà quản gia nhất quyết nhét vào tay tôi trước khi đi, ông ấy bảo: “Trong làng không có mã QR để quét, phải mang theo tiền mặt cho tiện.”
Lúc đó tôi còn chẳng thèm để tâm.
Nhưng bây giờ, tôi chỉ có thể dựa vào chỗ tiền mỏng dính này để mua cơm ăn.
Chu Dã không biết đã nhìn tôi bao lâu.
Một lúc sau, anh ta rút tiền trong tay tôi, gật đầu đồng ý.
“Bữa sáng bảy giờ, buổi trưa tôi không về, sẽ nấu sẵn cơm để trong nồi, bữa tối sáu giờ.”
Tôi gật đầu lia lịa, ngoan ngoãn đồng ý.
Chu Dã đi đến cửa, lại quay người trở lại.
Tôi hoảng sợ vội buông đũa, sợ anh ta nghĩ tôi ăn nhiều quá.
Nhưng anh ta chỉ nghiêm giọng dặn:
“Đừng mặc quần đùi ra ngoài, trong làng có nhiều ông già độc thân lắm đấy.”
05
Tay nghề nấu ăn của Chu Dã rất tốt.
Mỗi ngày ba bữa, bữa nào cũng có thịt, có trứng, hương vị còn ngon đến lạ.
Lúc đầu, tôi và Chu Dã ngồi đối diện nhau ăn cơm luôn có chút gượng gạo.
Nhưng dần dần, tôi cũng quen hơn, thỉnh thoảng còn hỏi thăm anh ta nuôi heo thế nào.
Chỉ là Chu Dã nói rất ít, mấy câu trả lời đều đơn giản, cụt lủn.
Tôi cũng không hỏi thêm, chỉ không ngừng khen đồ ăn anh nấu rất ngon.
Dần dà, tôi cũng quen với việc có người cùng ăn cơm.
Chỉ là buổi trưa Chu Dã không về, tôi cũng thấy hơi cô đơn.
Cảm giác như anh không ở đây, ngay cả cơm cũng không còn ngon như trước nữa.
Tôi tự cho rằng là vì… mặt Chu Dã.
Dù lúc nào cũng lạnh lùng cứng nhắc, nhưng thật ra… anh ta rất đẹp trai.
Nếu cười nhiều thêm chút nữa thì chắc chắn còn đẹp trai hơn.
Tôi tranh thủ một bữa tối nào đó, đem chuyện này ra hỏi anh ta.
“Anh Dã, sao buổi trưa anh không về ăn cơm vậy?”
Chu Dã nhấc mí mắt lên, lười nhác trả lời: “Xa.”
Tôi buồn bã thở dài, vẻ mặt ỉu xìu hẳn.
“Thôi vậy…” tôi lại lẩm bẩm một câu: “Còn đang nghĩ muốn anh ăn cơm với em nữa cơ…”
Dường như Chu Dã nghe thấy, anh ta buông đũa, nhìn thẳng vào tôi:
“Em muốn tôi ăn cơm với em à?”
Tôi nghe xong lập tức thấy có hi vọng, mắt sáng lên, gật đầu lia lịa.
Chu Dã bật cười khẽ một tiếng.
Khóe miệng như cũng cong lên một chút.
Nhưng khi tôi nhìn sang, anh ta lại trở về bộ dạng lạnh lùng như cũ.
Anh ta nói: “Biết rồi.”
Kết quả là hôm sau, đúng mười một giờ, Chu Dã đã xuất hiện trong bếp, cầm cái xẻng nấu ăn hỏi tôi:
“Em nói muốn ăn cay, xào thịt với ớt được không?”
Tôi hí hửng chạy ra vườn rau sau nhà giúp anh ta hái ớt.
“Được, được ạ, cảm ơn anh Dã.”
Bà Vương đi ngang qua cửa nhà Chu Dã, giọng oang oang:
“Ồ! Tiểu Dã lại nấu cơm cho con bé Phù đấy à! Người ta nói rồi, muốn nắm được trái tim ai thì phải nắm được cái dạ dày của người đó trước, bảo sao con bé Phù ngày nào cũng chạy sang nhà cháu, thật là đẹp đôi!”Đọc full tại page Nguyệt hoa các
Tôi: “……”
Nói thì không sai.
Nhưng cảm giác nghe xong cứ thấy kỳ kỳ.
Sao lại nói tôi giống như con dâu bé nhỏ sắp về nhà chồng vậy.
Căn bệnh tiểu thư trong tôi lại tái phát.
Tôi giật lấy một nắm ớt, ném lên thớt, phản bác bà Vương:
“Bà nói gì thế ạ, cháu có trả tiền mà.”
Ý ngoài mặt: Tôi với Chu Dã chỉ là giao dịch đơn thuần, trong sáng.
Chu Dã đang thái thịt, tay khựng lại, không nói gì.
Tôi kéo bà Vương nói chuyện phiếm, không để ý ánh mắt người đàn ông kia vẫn luôn dõi theo tôi.
Lúc ăn cơm, Chu Dã đặc biệt im lặng.
Thật ra bình thường anh ta vốn ít nói, nhưng hôm nay đến cả những câu tôi cố tình gợi chuyện, anh ta cũng không thèm đáp.
Ăn xong, tôi nhìn anh rửa bát trong im lặng.
Tôi rón rén hỏi: “Anh Dã, anh sao thế?”
Chu Dã không trả lời, ngược lại còn nói: “Ngày mai tôi không về ăn cơm nữa, cơm để trong nồi, em tự hâm lại ăn.”
Tôi: Hả?
Không phải hôm nay vẫn đang rất bình thường sao?
“Sao vậy, có phải em làm lỡ công việc nuôi heo của anh không?”
Chu Dã đặt chiếc bát đầy bọt xuống, nhìn tôi, nói từng chữ:
“Em chỉ trả tiền cơm thôi, chưa trả tiền ngồi ăn cùng đúng không?”
Ý là —— Anh ta không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của tôi khi ăn cơm cùng.
Tôi: “……”
Nhưng mà bây giờ tôi đâu có tiền đâu!
Tôi thử nói chuyện tình cảm: “Chẳng lẽ tình cảm giữa chúng ta không đủ để cùng ăn cơm sao?”
Chu Dã cười, thản nhiên hỏi lại: “Chúng ta có tình cảm gì à? Tiểu thư.”
Thôi được.
Cũng đúng.
Đã nói đến vậy rồi, tôi cũng chẳng biết phải nói gì nữa.
06
Buổi chiều tôi không muốn chơi điện thoại nữa, liền đi tìm bà Vương tám chuyện.
Vừa nói chuyện mới biết, người trong làng đều tưởng tôi với Chu Dã đang hẹn hò.
Tôi vội vàng phủ nhận.
Bà Vương ngạc nhiên nói: “Hai đứa không yêu nhau à? Bà còn chưa từng thấy Tiểu Dã nói chuyện thân thiết với cô gái nào như vậy, cứ tưởng nó cuối cùng cũng biết rung động rồi, ai ngờ…”
Tôi khẽ kéo khóe môi.
Thân thiết cái gì chứ?
Với cái tính tình kia của anh ta, ai nói chuyện nổi với anh ta chứ.
Nếu không phải sợ không có ai nói chuyện thì tôi đã chẳng thèm để ý đến anh ta rồi.
Bà Vương cứ tiếp tục lải nhải: “Bố mẹ Tiểu Dã mất sớm, tội nghiệp lắm, thằng bé này lại có hiếu, học bao nhiêu năm, tốt nghiệp xong lại quay về làng trông coi mảnh đất của cha mẹ, nghe nói nó học thạc sĩ đấy, không dễ dàng gì đâu, vừa thông minh vừa siêng năng, không như cái thằng cháu rùa của tôi…”
Tôi nghe mà trợn tròn mắt.
Thật hay giả vậy?
Giờ xin việc khó tới mức nào rồi? Đến cả thạc sĩ cũng phải về nuôi heo sao?
Bảo sao khí chất của Chu Dã khác hẳn người trong làng.
Ra là… bằng cấp cao hơn tôi luôn ấy chứ.
Bà Vương cười nói: “Tiểu Dã cũng đâu còn nhỏ nữa, cũng đến lúc lập gia đình rồi, bà đây cũng lo cho nó lắm, mấy hôm nữa tính giới thiệu cho nó một cô gái, coi như giúp bố mẹ nó hoàn thành tâm nguyện.”Đọc full tại page Nguyệt hoa các
Tôi cúi đầu im lặng, không lên tiếng.
Đột nhiên tôi không muốn nói chuyện với bà Vương nữa.
Tôi kiếm cớ rồi lặng lẽ chuồn về.
Vừa hay gặp Chu Dã trở về, tôi liền chạy sang nhà anh ta đợi ăn cơm.