Cậu ta chết sững.
Mười bảy tuổi, cái tuổi sĩ diện đụng nhẹ cũng tổn thương,
có lẽ không ngờ tôi dám đánh thật.

Vừa định nổi giận thì giây tiếp theo —

Tôi vụng về nhưng dịu dàng vén mái tóc dài che mắt cậu lên,
khẽ thổi thổi lên gò má vừa bị đánh của cậu.

Khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi nhẹ nhàng nói như đang dỗ con nít:
“Mắt em đẹp lắm, giống như vì sao trên trời ấy.
Nếu bị tóc che mất thì sẽ không thấy được nữa.
Chị… chỉ muốn được nhìn thấy em mãi thôi mà.”

Đánh một cái – cho một viên kẹo, là chiêu thức tôi thường dùng để thu phục Phó Nhiên.
Tôi nghĩ, với Phó Nhiên mười bảy tuổi, chắc cũng có hiệu quả.

Hệ thống âm thầm giơ ngón cái:
“Cô đang huấn luyện chó đấy à?”

Tôi: “Đừng làm ồn, tôi có tiết tấu riêng.”

Quả nhiên, lửa giận của cậu thiếu niên còn chưa kịp bùng ra đã bị tôi dập tắt nhẹ nhàng.
Mọi người xung quanh cúi đầu giả vờ không thấy, ai nấy im thin thít như tượng.

Gương mặt cậu ta lúc đỏ lúc đen, đen rồi lại đỏ,
cuối cùng vẫn ôm nguyên cái dấu tay trên mặt, hậm hực ngồi phịch xuống ghế, lẩm bẩm:
“… Thì tùy cô vậy.”

Tôi như thưởng công, xoa xoa đầu cậu.
Cậu ta bực bội tránh mặt không nhìn tôi,
nhưng trong gương, rõ ràng có thể thấy hàng mi đang khẽ run lên từng chút,
đôi tay nắm chặt từ lúc nào đã buông lỏng.

Lòng tôi bỗng mềm nhũn.

7
Sau khi đã có “kinh nghiệm cắt tóc”, việc dẫn cậu ấy đi mua sắm trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Tôi phụ trách chọn đồ, còn cậu ấy làm chân xách túi.
Chẳng mấy chốc, người cậu đã treo đầy túi lớn túi nhỏ — nhìn từ xa không khác gì một cây thông Noel biết đi.

Đi được nửa chặng, cậu ta đình công.

“Dựa vào đâu mà tôi phải xách đống này? Tôi không làm nữa!”

Tôi nhìn cậu ta đứng lì tại chỗ, đột nhiên dâng lên cảm giác bất lực như đang dắt theo một đứa trẻ đang tuổi phản nghịch.

Tôi thở dài bất đắc dĩ, chia một nửa túi qua tay mình.
Nhưng chỉ chưa đầy năm phút, tôi đã phải buông tay vì đau.

Lòng bàn tay trắng nõn bị dây túi siết thành một vết hằn đỏ rõ rệt, nhìn thấy mà xót.
Tôi vừa định cắn răng xách tiếp, thì cậu ta sải bước tới, không nói một lời, giật hết túi trong tay tôi.

“Tôi không biết đường, cô đi trước.”

Miệng thì cứng, nhưng tim thì mềm.

Tôi không vạch trần cậu, chỉ lặng lẽ cúi đầu, khóe môi khẽ cong lên.
Dù sao thì trẻ con vẫn là trẻ con, còn sĩ diện lắm.

Thay kiểu tóc, phối thêm quần áo vừa vặn, nhất thời tôi có ảo giác Phó Nhiên trở lại.
Nhân viên bán hàng rất tinh ý, thấy tôi nhìn cậu ta với ánh mắt hài lòng liền lên tiếng khen:

“Chị có gu thật đó, bộ này là hàng giới hạn mới về đấy ạ. Bạn trai chị mặc lên trông rất đẹp!”

Tôi lắc đầu, nghiêm túc sửa lại: “Không phải bạn trai.”

Vừa dứt lời, sắc mặt của cậu thiếu niên tối sầm lại.
Cả người như phủ một tầng khí áp thấp, đường viền hàm siết chặt, lộ rõ vẻ tức giận.

Cậu ta còn đang âm thầm bực bội, thì tôi lại nói tiếp một câu:

“Là người nhà.”

Ngay lập tức, khóe môi đang sụp xuống lại cong cong lên lén lút.

Cùng lúc đó, hệ thống báo cáo vang lên:
“Chỉ số hắc hóa của phản diện: 80%.”
“Không tệ đâu ký chủ, huấn luyện chó mà cô cũng có bài bản ghê đấy!”

…Thôi thì cứ coi như đang khen tôi đi vậy.

Khi ra khỏi trung tâm thương mại, sắc trời đã tối đen.
Đèn đường hai bên sáng lên từng ngọn, cậu ấy vẫn xách theo đống túi nặng trĩu, số lượng còn nhiều hơn lúc đến.

Có lẽ vì quá nặng, cậu ta thỉnh thoảng khẽ vung cổ tay,
nhưng tuyệt nhiên không than vãn một lời.

Đến trạm xe buýt, vừa hay có một chuyến xe chạy tới.
Lên xe, chỉ còn một chỗ trống duy nhất.
Tài xế cũng đã chờ sẵn.

Tôi vừa định mở miệng bảo cậu ta ngồi, thì cậu ta đột ngột ấn tôi xuống ghế,
còn mình thì đứng cạnh, đặt gọn đống túi bên chân, lẩm bẩm:

“Cô ngồi đi, tôi trông đồ.”

Vừa cúi người bước vào xe, một bóng râm bất ngờ che lên trán tôi.
Chưa kịp phản ứng, một bàn tay ấm áp đã đỡ giữa trán tôi và mép cửa xe.

“Cẩn thận!”

Làn hơi ấm thoảng qua tai, tôi ngẩng đầu, chạm vào đôi mắt sâu hút của cậu ta.

Thì ra cậu sợ tôi đụng đầu vào cửa xe.

Sau khi bảo vệ xong, cậu vội vàng dời mắt đi, rồi giả vờ hung dữ mắng:
“Đồ ngốc! Không biết nhìn đường à!”

Tôi chợt nhớ tới mấy năm trước, Phó Nhiên cũng từng như vậy —
giữa đám đông chen chúc, luôn dùng thân mình che chắn tôi, sợ tôi bị xô đẩy, sợ tôi bị thương…

Bên trong xe ấm áp.
Tôi nhìn gương mặt nghiêm túc nhưng hơi ửng hồng của cậu thiếu niên,
rồi lại nhìn đống túi to như ngọn núi dưới chân cậu.
Không kìm được, tôi bật cười.

Là một đứa trẻ bướng bỉnh nhưng lại mềm lòng.

8
Sau khi trở về, tôi và Phó Nhiên nhỏ đã trải qua vài ngày bình yên vô sự.
Cậu ta vẫn ngày nào cũng bày ra cái mặt lạnh tanh, như thể ai nợ cậu tám triệu vậy.

Tôi cũng dần quen với chuyện đó.
Lạnh mặt thì lạnh mặt đi, chờ cậu ta đi rồi tôi sẽ đánh Phó Nhiên lớn một trận ra trò!
Tiểu Phó gây họa thì đại Phó gánh, dám lên mặt với tôi à!

Mãi cho đến một đêm nọ, tôi đột nhiên bị hệ thống đánh thức.

Giọng nó gấp gáp vang lên:
“Chỉ số hắc hóa của phản diện đang tăng lên! Cảm xúc của cậu ta hiện tại vô cùng bất ổn, có dấu hiệu tự hủy nghiêm trọng, mau đi xem đi!”

Tôi giật mình tỉnh dậy, vội vàng ngồi dậy mới phát hiện bên ngoài mưa gió gào thét, sấm chớp đùng đùng.

Chợt tôi nhớ ra —
Phó Nhiên khi còn nhỏ thường xuyên bị cha đánh đập,
từ đó về sau, mỗi lần trời mưa bão là lại bị ác mộng hành hạ mà tỉnh giấc giữa đêm.

Về sau, anh quen ôm tôi ngủ mới dần dần vượt qua nỗi sợ đó.

Cửa phòng Phó Nhiên nhỏ khép hờ.
Vừa bước vào, đập vào mắt tôi là một cục u khổng lồ trên giường — rõ ràng là người đang trùm kín trong chăn, co lại thành một khối, run rẩy.

Tôi bước nhẹ, sợ đánh động đến người trong chăn, nhẹ giọng gọi:
“Phó Nhiên?”

Không có phản ứng.
Nhưng tôi có thể đoán được, bên trong lúc này chắc chắn đang chìm trong cơn ác mộng đầy đau đớn.

Tôi tiến lại gần, nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên tấm chăn kín bưng ấy, dịu giọng dỗ:
“Phó Nhiên, mở chăn ra đi.”

Nghĩ đến những năm tháng anh bị ác mộng dày vò, lòng tôi chợt mềm nhũn, giọng nói cũng pha chút an ủi:
“Là em mà, đừng sợ…”

Rất lâu sau, lâu đến mức tôi bắt đầu nghi ngờ không biết tiếng mình có truyền vào được không —
cuối cùng, tấm chăn cũng khẽ động đậy, rồi một cái đầu rối tóc, mềm mịn lộ ra.

Tôi ngẩng đầu lên, chạm phải một đôi mắt đỏ hoe.

Cậu ấy siết chặt cơ thể, môi tái nhợt,
đôi mắt đen láy nhìn tôi chăm chú, sâu không thấy đáy.

“Cô tới đây làm gì?”

Biết rõ trẻ con ở tuổi này rất sĩ diện, tôi vội giả vờ sợ sệt, níu nhẹ tay áo cậu ấy như đang nũng nịu:
“Bên ngoài có sấm… em hơi sợ, có thể ở lại đây với anh không?”

Cậu ta lặng lẽ nhìn tôi.
Đợi tôi nói xong, mới thở hắt ra một hơi thật dài.

“Cô không cần phải làm vậy.”

Giọng cậu hơi khàn, vang lên giữa đêm tối như phủ một lớp sương, lạnh lẽo và đè nén.

“Tôi không phải là anh ta, đừng dùng cách đối xử với anh ta để dỗ tôi.”

“Tôi không cần lòng tốt rẻ tiền của cô.”

Đúng lúc đó, một tia sét xé rách bầu trời.

Tiếng nổ vang rền như phát ngay bên tai khiến Phó Nhiên nhỏ toàn thân run lên,
hơi thở dồn dập, lập tức chui thẳng vào lòng tôi.

Tôi: …

Tôi thở dài một hơi, vòng tay siết chặt cậu ấy lại.
Bàn tay tôi nhẹ nhàng vỗ nhịp lên lưng cậu từng cái một, cho đến khi cậu ngừng run rẩy.

Vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi mà.

Trong ký ức của tôi, Phó Nhiên luôn là đại diện cho sự chín chắn và điềm tĩnh.
Anh yêu tôi, cưng chiều tôi, có anh ở bên, tôi có thể mãi mãi nép trong vòng tay rắn rỏi ấy, không sợ hãi bất kỳ điều gì.

Nhưng Phó Nhiên ở tuổi mười bảy lại không như vậy.
Cậu ấy đầy thương tích, bị hành hạ đến mức chỉ còn biết tồn tại trong cảnh khổ sở, mới hình thành nên một tính cách bướng bỉnh và cô lập như hiện tại.

Hệ thống từng nói cậu là một “kẻ xấu bẩm sinh”.
Nhưng tôi biết — không có ai sinh ra đã là phản diện cả.

Cậu ấy trở nên lạnh lùng, vì từng chân thành mà bị người khác dẫm đạp.
Cậu ấy dễ nổi nóng, vì những người quanh mình như lang sói hổ báo, luôn có ý đồ xấu.
Cậu ấy cứng đầu, vì người duy nhất mà cậu ấy có thể dựa vào, chỉ có chính mình.

Từng ấy năm… chắc hẳn cậu đã sống khổ sở lắm nhỉ.

Dưới ánh trăng mờ nhạt, tôi nhìn thấy nỗi đau hiện rõ trên gương mặt cậu.
Đôi mắt phủ một tầng sương mờ — đó là cơn đau trưởng thành đến muộn, kéo dài suốt mười bảy năm.
Nỗi xót xa lan ra từ tận đáy tim, trào lên nghẹn nơi cổ họng.

Tôi cúi đầu, bỗng mở miệng hỏi:
“Cho hôn một cái, dỗ được không?”

Phó Nhiên nhỏ khựng lại.
Chưa kịp phản ứng, tôi đã lao tới hôn “chụt” một cái thật kêu lên má cậu.

Sau đó tôi nâng mặt cậu lên, nghiêm túc nhìn thẳng vào mắt, dịu dàng nói:
“Đừng nhốt mình mãi trong cái lồng đau khổ đó nữa.
Cậu đã không còn là đứa trẻ bị ngược đãi ngày xưa rồi.
Cậu đã thấy rồi đấy — tương lai của cậu rất tốt đẹp.”