Hai mươi năm trước, bố tôi trong một lần say rượu đã buột miệng nói hớ rằng nuôi gà một năm kiếm được hai trăm ngàn tệ. Chẳng bao lâu sau, cả trại gà bị người ta đầu độc chết sạch.
Sau này, bố tôi mua đứt một căn nhà ở Bắc Kinh với giá tám chục triệu, không nói với ai ở quê, ngay cả ông bà nội tôi cũng không hề hay biết.
Giờ đây, bố tôi đã là tổng giám đốc của một tập đoàn trị giá hàng trăm triệu. Mỗi lần về quê ăn Tết hay lễ lạt, ông đều bắt tôi với mẹ phải đóng giả làm người nghèo.
Trong bữa cơm tất niên, tôi khoác áo bông dày, đi dép bông, hai tay đút túi, bắt đầu sự nghiệp “nối nghiệp cha” — nói xạo một cách điêu luyện.
Không ngờ đang diễn thì lại gặp người quen.
Tôi: “Tổng Giám đốc Cố?”
Anh ta: “Tổng Giám đốc Thẩm?”
Sau đó, hai chúng tôi cùng đưa tay bịt miệng đối phương.
1
Tết năm nay, tôi theo bố mẹ về quê ăn Tết cùng ông bà nội.
Bữa cơm tất niên, họ hàng bạn bè kéo đến đông đủ.
Vừa ngồi xuống là bắt đầu vây quanh tôi hỏi han đủ chuyện.
Trong lời kể của bố tôi, ông chỉ là bảo vệ cho một công ty nào đó ở Bắc Kinh, còn mẹ tôi làm lao công cho một công ty khác.
Thế là, trong cuộc thảo luận đầy nhiệt tình của họ, tương lai của tôi cứ lắc lư giữa việc nối nghiệp bố làm bảo vệ hay theo chân mẹ làm lao công.
Họ thực sự rất “quan tâm” đến tôi.
Cô ba:
– Nghe nói cháu học đại học Bắc Kinh à?
Tôi:
– Bắc Kinh cái gì ạ? Là đại học ở Bắc Kinh thôi! Trường nghề kỹ thuật ngũ đạo khẩu!
Thím cả:
– Tốt nghiệp cũng hai năm rồi nhỉ? Có việc làm chưa? Có ai tìm hiểu chưa?
Tôi:
– Bây giờ sinh viên ra trường thất nghiệp đầy ra, cháu tìm đâu ra việc?
– Mà cháu điều kiện thế này, dám yêu ai đâu? Ai mà thèm?
– Cháu tính chắc tầm gần ba mươi rồi, kiếm người ly hôn có nhà có xe, có con riêng là được rồi.
Chị họ tôi nói:
– Trời ơi, em còn trẻ thế mà nghĩ gì kỳ vậy! Làm mẹ kế đâu phải chuyện đùa!
– Hay là, để chồng chị để ý giúp em vài mối?
Tôi:
– Giờ chưa vội đâu ạ, ngày xưa đi học tiêu xài hơi mạnh tay, giờ còn nợ thẻ tín dụng với vay online hơn chục vạn nữa.
– Trả hết rồi tính tiếp chứ, đúng không? Mà em nghe nói chồng chị làm quản lý ở công ty lớn hả? Hay cho em mượn đỡ ít đỡ cháy?
Mấy câu đó của tôi, thành công chặn đứng mọi cuộc thẩm vấn từ đám họ hàng.
Ông bà nội tôi lập tức quay ra mắng bố tôi một trận, hỏi ông rốt cuộc dạy dỗ con cái kiểu gì mà để nó dính tới thẻ tín dụng, vay online này kia.
Bắt ông phải mau nghĩ cách giải quyết, không thì đời con gái coi như tiêu rồi.
Bố tôi tức đến trợn mắt, nghiến răng nắm lấy tay tôi, nhỏ giọng gằn từng chữ:
– Tao bảo mày giấu giàu, chứ có bảo mày bịa chuyện kiểu này đâu?
– Chút chuyện này mà làm không xong, có tin tao điều mày về dọn nhà vệ sinh không?
Tôi thực tập ở công ty ông từ năm nhất đại học, bắt đầu từ vị trí thấp nhất, sau khi tốt nghiệp thì làm chính thức, từng bước từng bước đi lên, tháng trước vừa được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty.
Bấy nhiêu năm cống hiến, không có công thì cũng có khổ, tôi còn nắm 10% cổ phần trong tay đấy!
Vậy mà ông lại dám đe dọa điều con gái ruột mình đi dọn nhà vệ sinh?
Tôi không kìm được nước mắt, khóc òa lên, nước mắt rơi tí tách.
– Bố! Con không muốn làm lao công! Con không muốn giống mẹ!
Mẹ tôi – người bình thường đến đầu ngón tay cũng chẳng đụng vào nước lã – nghe vậy thì sững người.
Một lúc lâu sau mới hoàn hồn, nước mắt ngắn dài ôm chầm lấy tôi:
– Con gái à, số chúng ta là vậy rồi!
– Tại bố mẹ không có bản lĩnh…
Không khí rơi vào trầm mặc đầy cảm xúc, bố tôi đành phải góp vài câu:
Ông nói với ông bà nội:
– Bố, mẹ, con với bà nhà dạy con không nên, để nó gây họa, xấu hổ quá!
“Vài năm tới chúng con sẽ không về quê ăn Tết nữa. Bố mẹ cứ yên tâm, con với Tú Phân nhất định sẽ cố gắng làm ăn, cố gắng trong ba năm trả hết số nợ này.”
“Nhà họ Thẩm ta đường đường chính chính, không bao giờ làm chuyện vay mà không trả!”
Bố tôi đúng là diễn viên tài ba. Nếu Oscar không trao tượng vàng cho ông, thì là do ban tổ chức có vấn đề về mắt.
Vài câu nói thôi mà khiến ông bà nội tôi nghe mà máu huyết sôi sục, xúc động không thôi.
Bác cả, bác hai, cô ba, cô tư lần lượt kéo tới an ủi ông.
Ánh mắt nhìn tôi thì ngập tràn thất vọng và chỉ trích:
“Đứa nhỏ này, sao lại không biết điều đến thế chứ?”
Trước những lời chỉ trích không ngừng từ họ hàng và bậc trưởng bối, tôi “xấu hổ không chịu nổi”.
Lập tức đứng dậy lau nước mắt, vừa khóc vừa chạy ra khỏi nhà, dép bông dưới chân chạy “bép bép” trên nền sân.
Trước khi đi, tôi còn lén nhét vài hộp pháo nổ mini vào túi, định tìm chỗ nào vắng người chơi một mình cho khuây khỏa.
Không ngờ chạy vội quá, đâm sầm vào một người.
Trán tôi va thẳng vào sống mũi người đó, khiến anh ta “ư” một tiếng đau đớn.
Tôi hoảng hồn ngả người ra sau, suýt ngã thì được người đó nhịn đau đỡ lấy.
Ánh đèn đường chiếu xuống, bốn mắt nhìn nhau — cả hai đều thấy người kia… quen quen.
Cả hai đồng thanh kêu lên:
– Tổng Giám đốc Cố?
– Tổng Giám đốc Thẩm?
Vừa nhận ra đối phương nói gì, chúng tôi vội vã dáo dác nhìn quanh, sau đó đồng thời đưa tay bịt miệng nhau lại, rồi nhanh chóng trốn ra sau gốc cây.
2
Tôi nhìn người đàn ông trước mặt, cảnh giác hỏi:
– Tổng Giám đốc Cố? Anh làm gì ở đây?
– Tôi đã nói rồi mà, đơn hàng đó tôi định giao cho công ty khác rồi.
– Anh bám theo tôi để giành đơn đến tận đây luôn hả?
Người đàn ông này tên là Cố Vân Chi, là nhà cung cấp đang đàm phán một dự án gần đây với công ty tôi.
Ban đầu tôi vốn định giao đơn hàng đó cho công ty anh ta.
Tại vì… anh ta quá đẹp trai.
Thầy bói bảo tôi năm nay “Hồng Loan tinh động”, tôi nhìn anh ta là động lòng thật sự.
Nhưng hôm đó tôi chủ động mời anh ta đi ăn sau giờ làm, vậy mà anh ta từ chối!
Nói là nhà có việc, phải về sớm.
Lần đầu tiên tôi chủ động mời ai, chẳng lẽ mặt tôi không cần giữ?
Nghe nói anh ta vừa từ nước ngoài về, đang khởi nghiệp, công ty còn trong giai đoạn đầu.
Được lắm, vậy thì để anh ta nếm thử vị đắng của xã hội đi.
Kết quả là đơn hàng kia, anh ta “tự nhiên mà thôi”, không lấy được.
Giờ thấy tôi nói vậy, Cố Vân Chi chỉ lắc đầu bất đắc dĩ, nhìn tôi:
– Tổng Giám đốc Thẩm, cô hiểu lầm rồi.
– Công ty cô không chọn chúng tôi, hẳn là có lý do của mình, tôi không phải kiểu người thích dây dưa.
– Tôi chỉ là về quê thăm người thân cùng ba tôi thôi.
Tôi ngẩn ra, nhìn lại cách ăn mặc giống tôi không sai biệt lắm, vẫn hơi nghi ngờ hỏi:
– Về quê? Người thân nào? Sao trước giờ tôi chưa từng thấy anh?
Anh ta chỉ về phía nhà bên cạnh nhà ông bà tôi, đáp:
– Nhà họ Tô, là ông bà ngoại tôi.
– Mẹ tôi mất sớm, ông bà ngoại và hai cậu tôi cho rằng là do ba tôi chỉ lo kiếm tiền mà không quan tâm đến mẹ con tôi, nên mới gián tiếp khiến bà ấy mất.
– Vậy nên họ không cho ba tôi về đây ăn Tết nữa.
Trong đầu tôi lập tức hiện ra hình ảnh một cô dì tóc dài, lúc cười thì dịu dàng vô cùng.
– Ồ… Vậy anh là con của dì Tô Tố? Ông bà và hai cậu đúng là thương dì thật.
Cố Vân Chi gật đầu, lại nói thêm:
– Năm nay hai em họ tôi tốt nghiệp, chưa tìm được việc, mới nói ba tôi về xem có thể giúp gì không…
Tôi lập tức giơ tay:
– Tôi thu hồi mấy lời ban nãy!
Trực giác nói cho chúng tôi biết — người trước mặt cũng có một bụng chuyện hay ho.
Trong ánh mắt đối phương, chúng tôi đều nhìn thấy ngọn lửa hóng chuyện cháy rực rỡ.
Vậy là quyết định cùng nhau trao đổi, tìm hiểu sâu hơn.
Để tránh bị người khác bắt gặp, cả hai rủ nhau chui vào rừng nhỏ sau làng.
Nói chuyện một lúc mới phát hiện, chúng tôi có hoàn cảnh… giống nhau đến bất ngờ.
Chỉ khác là: tôi thì giúp bố che giấu sự giàu có.
Còn anh ta, thì giúp bố che giấu thực lực.
3
Ba của Cố Vân Chi cũng giống ba tôi, đều là người từ vùng quê nghèo khó vươn lên.
Tay trắng lập nghiệp, nhờ vào ý chí và năng lực của bản thân mà gây dựng được một cơ nghiệp đồ sộ.
Chỉ tiếc là học vấn không cao, ra ngoài bị người ta chê là “phú nhị đại thô tục”, kiểu đại gia mới nổi quê mùa.
Mẹ của Cố Vân Chi lại là một trong số ít những người từng học đại học ở trong làng.
Năm đó vì yêu ba anh mà cãi nhau với gia đình, đến mức đoạn tuyệt.
Sau này, ba anh làm ăn phát đạt, xây nhà cho nhà họ Tô, mua xe, thậm chí còn mua cả mặt bằng ở thành phố cho họ.
Nhưng nhà họ Tô vẫn cứng rắn như cũ, không cho ông vào cửa.
Lễ Tết gì cũng chỉ có một mình mẹ Cố Vân Chi – dì Tô Tố – về thăm nhà.
Vì vậy, lúc còn nhỏ tôi chỉ từng gặp mẹ anh, chứ chưa từng thấy mặt anh hay ba anh.
Lên tiểu học không lâu, mẹ Cố Vân Chi bị chẩn đoán ung thư và qua đời.
Nhà họ Tô đổ hết lỗi lên đầu ba anh, cho rằng chính vì ông chỉ lo kiếm tiền, bỏ mặc mẹ con họ, nên mới hại chết vợ.
Dù ba anh đã chu cấp kinh tế rất nhiều cho nhà họ Tô, nhưng trong mắt họ ông vẫn là “không phải mũi là mũi, không phải mắt là mắt” – đầy chướng tai gai mắt.
Hai cậu nhà họ Tô lại càng quá đáng.
Con cái họ thì kiêu căng, hống hách, gặp Cố Vân Chi là tìm cách bắt nạt, lên mặt.
Dần dần, tính cách Cố Vân Chi trở nên nhút nhát, tự ti, chẳng mấy khi muốn qua lại với người bên nhà mẹ.
Mỗi lần về thăm ông bà ngoại, đều là một màn “vùi dập” danh tiếng ba anh:
Nào là “ông ta giàu rồi thì bỏ vợ”, “mẹ con mới chết vì bị chèn ép”,
Nào là “ông ta kiểu gì cũng sẽ cưới vợ mới, sinh thêm con trai”,
Đến lúc đó thì Cố Vân Chi sẽ chẳng còn gì trong tay.
Chuyện quá đáng nhất là: lúc mẹ anh mới mất, nhà họ Tô còn cử một người bà con bên đó sang nhà anh làm bảo mẫu, lý do là… “không yên tâm để ba anh tự chăm con nhỏ”.
Ba anh nghĩ dù sao cũng là họ hàng, thân quen, nên đồng ý.
Kết quả nửa đêm người kia lại… chui vào giường ông.
Hỏi ra mới biết, là do hai cậu của anh sai khiến, sợ ba anh cưới người ngoài, của cải nhà họ Cố sẽ rơi vào tay người khác.
Ba Cố Vân Chi là người thực lòng yêu vợ, vì để giữ tiếng, suốt bao nhiêu năm vẫn độc thân, không tái hôn, một lòng lo cho con và phát triển sự nghiệp.
Nhưng bao nhiêu chuyện như vậy, để lại cho Cố Vân Chi một bóng đen tâm lý rất lớn.