Tôi là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, từng giả làm bạch nguyệt quang của một cậu thiếu gia mù mắt.
Giả bộ suốt ba năm, sinh cho anh ta một đứa con, sau đó bỏ đi.
Năm năm sau, tôi bày sạp xem bói ven đường.
Gặp một đứa trẻ, nó đưa tôi một nghìn tệ.
“Nói cho cháu biết mẹ cháu đang ở đâu.”
Tôi vừa nhét tiền vào túi, thì một người phụ nữ hớt hải chạy tới.
“Sao con lại ở đây? Mẹ tìm con nãy giờ.”
Người phụ nữ này nhìn rất quen.
Tôi nghĩ kỹ lại, hóa ra là bạch nguyệt quang thật sự của cậu thiếu gia mù năm xưa.
Im lặng mấy giây, tôi lấy tiền ra đưa lại cho thằng bé.
“Mẹ con tìm được rồi, trả lại con tiền.”
Nhưng nó không nhận, chỉ tròn mắt nhìn tôi chằm chằm.
“Người cháu muốn tìm không phải là người mẹ này.”
1
Tay tôi cầm tiền khựng lại giữa không trung.
Chốc lát sau, tôi đưa về phía Tống Phục.
“Trẻ con nghịch thôi mà, cô cầm lấy tiền đi.”
Cô ta nhận tiền, kéo tay thằng bé định rời đi.
Nó lại cắn tay cô ta, giằng lấy lại tờ một nghìn tệ.
“Đây là tiền tiêu vặt của cháu, cô không được lấy!”
Tống Phục đau điếng, “Xì” một tiếng, cúi đầu quát khẽ:
“Thích Hứa!”
Nói xong cô ta sững người, lại ngồi xổm xuống dịu giọng:
“Nghe lời, theo mẹ về nhà, nếu không ba sẽ lo lắng.”
“Dù gì mọi người cũng đâu quan tâm tới con, sinh thêm đứa nữa là được thôi!”
Thích Hứa hất cô ta ra, lại ngoan ngoãn ngồi xuống ghế, đưa tiền cho tôi.
Tống Phục cười lạnh, ánh mắt đầy hàm ý.
“Được, xem đi. Xem xem mẹ ruột con có còn cần con không.”
Nghe giọng điệu đó, rõ ràng Thích Hứa biết cô ta không phải mẹ ruột mình.
Vậy Thích Dật cũng biết rồi sao?
Nhưng năm đó tôi rời đi, vẫn còn mang thân phận Tống Phục mà.
Trong lòng tôi rối như tơ vò, nhưng mặt vẫn không đổi sắc nhận lấy tiền, hỏi Thích Hứa:
“Con biết ngày tháng năm sinh của mình không?”
Tất nhiên tôi biết.
Mười tháng mang thai, sinh mổ, đau đến chết đi sống lại.
Muốn quên cũng chẳng quên được.
“Ngày 8 tháng 1 năm 2020.”
Nó nghiêm túc nhìn tôi, “Ba nói hôm đó lạnh lắm.”
Tôi nhớ chứ.
Hôm đó tuyết rơi.
Trong phòng bệnh và ngoài cửa sổ đều trắng xóa.
Tôi cơ địa yếu, dù bật điều hòa sưởi, mùa đông tay chân vẫn lạnh buốt.
Đêm hôm ấy, Thích Dật ngồi ở cuối giường giúp tôi sưởi chân.
Ngồi suốt một đêm.
Nhưng người anh ấy đang sưởi, là Tống Phục chứ không phải Giang Phù.
Tôi nhìn Tống Phục đang đứng trước mặt, đem ký ức đó chôn sâu lại.
Sau đó tôi lấy quẻ gỗ ra, giả vờ rút quẻ xem bói.
Một hồi sau, tôi nói: “Con với mẹ ruột không có duyên, đừng tìm nữa.”
Khóe miệng Thích Hứa chợt mím lại.
“Cô nói dối.”
“Ba rõ ràng bảo mẹ đang ở nơi lừa đảo nhiều nhất.”
2
Tôi quả thực rất giỏi lừa người.
Là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.
Từng giả làm phụ huynh, người yêu, tiểu tam, lần nào cũng được khen ngợi.
Từng chơi yêu đương qua mạng, lừa được hơn hai nghìn tệ là chia tay, coi như dạy người ta một bài học nhớ đời.
Từng lừa mấy cậu ấm nhà giàu ở quán bar gọi rượu, mỗi chai vài chục vạn.
…
Nhưng cú lừa lớn nhất đời này của tôi.
Chính là giả làm Tống Phục, lừa gạt Thích Dật suốt ba năm.
Năm đó Tống Phục ra nước ngoài, Thích Dật đuổi theo, giữa đường gặp tai nạn xe cộ khiến đôi mắt bị thương, trở thành người mù.
Từ đó anh ta sống trong u uất, tính tình trở nên âm trầm.
Bố mẹ Thích Dật nhìn không nổi, tìm bằng được tôi đến đóng giả Tống Phục.
Để đóng cho tròn vai Tống Phục, tôi bỏ rất nhiều công sức.
Tập chơi bass, luyện giọng, học hát.
Vì bọn họ đều là dân chơi nhạc.
Ban nhạc đang lúc bắt đầu nổi tiếng, Tống Phục lại chọn ra nước ngoài du học.
Kết quả tan đàn xẻ nghé.
Lần đầu tiên tôi gặp Thích Dật, anh ta ngồi bên cửa sổ sát đất, lặng lẽ nhìn bóng cây ngoài kia.
Đôi mắt vô hồn.
Tôi bắt chước giọng điệu của Tống Phục, nói với anh ta rằng tôi đã trở về.
Nhưng tôi không ngờ, câu đầu tiên anh ta nói lại là —
“Vì sao phần dạo đầu bản demo đó em lại dùng nhạc cụ nhị hồ?”
Tôi từng chuẩn bị vô số kịch bản cần đến khả năng diễn xuất.
Nào là òa khóc, cãi vã, hoặc nhẹ nhàng làm lành.
Nhưng lại chẳng ngờ gặp phải tình huống thế này.
Thế nên, tôi lắp bắp mãi mới thốt được ra:
“Để phát huy tinh thần bảo tồn văn hóa truyền thống.”
Lời vừa dứt, không gian bỗng chốc im phăng phắc.
Thích Dật nghiêng đầu, đôi mắt trống rỗng hiện lên vẻ nghi hoặc.
Hồi lâu.
Anh ta nói: “Anh muốn nghe em hát, bài hát đầu tiên của chúng ta.”
Tôi thở phào một hơi.
May mà tôi đã luyện đi luyện lại những bài hát của họ đến thuộc làu từng câu từng chữ.
Thích Dật đệm đàn piano cho tôi hát.
Dù mắt đã mù, anh ấy vẫn chơi rất hay.
Chỉ là không còn nhìn thấy bản nhạc nữa.
Bài hát vừa kết thúc, anh nói:
“Hát rất tốt, còn tốt hơn cả trước kia.”
3
Bất kể Thích Dật có biết sự tồn tại của tôi hay không, tôi cũng chỉ là một kẻ lừa đảo ham tiền.
Vì tiền mà đóng giả bạch nguyệt quang của anh ta.
Vì tiền mà sinh ra đứa trẻ.
Cũng vì tiền, rời đi dứt khoát sạch sẽ.
Tôi không xứng với anh ta.
Càng không xứng làm mẹ của Thích Hứa.
Hoàn hồn lại, tôi lạnh mặt nói:
“Vậy cháu nên đến đồn cảnh sát, ở đó bắt được rất nhiều kẻ lừa đảo.”
Đôi mắt tròn xoe như hạt hạnh nhân của Thích Hứa bỗng đỏ lên.
Nhìn rất bất lực.
Tống Phục cong môi cười nhạt.
“Giờ đi được rồi chứ?”
Thích Hứa miễn cưỡng đi theo cô ta.
Đi rồi vẫn còn ba bước ngoái đầu nhìn tôi một lần.
Nhìn đến là tội nghiệp.
Tôi cúi đầu, nhặt lại từng chiếc quẻ và bản vẽ rơi vãi trên mặt đất.
Sau đó chỉnh lại bộ tóc giả trắng trên đầu, chống chân tập tễnh rời đi không ngoảnh lại.
Rẽ qua một khúc quanh, tôi mới leo lên chiếc xe điện cũ kỹ.
Phóng vèo vèo như bay.
Chắc họ không nhận ra tôi đâu.
Tôi và Tống Phục chưa từng gặp mặt.
Cũng kìm nén cơn bốc đồng trong lòng suốt năm năm, chưa từng lén đi nhìn Thích Hứa một lần.
Huống chi, tôi hóa trang thành một bà già.
Bày sạp xem bói như vậy, càng già càng đáng tin.
Bởi vậy tôi nghĩ, chỉ là một cuộc gặp ngẫu nhiên đơn giản thôi.
Cho đến ngày hôm sau.
Thích Hứa lại đến trước sạp tôi, móc ra một nghìn tệ.
“Cô xem giúp cháu, mẹ ruột cháu tên là gì?”
Tôi do dự hỏi: “Ngày nào cháu cũng tự mình ra ngoài? Người lớn trong nhà không quản sao?”
Nó lắc đầu nguầy nguậy.
“Ba đi dạo phố với người phụ nữ kia rồi, cháu lén chạy ra.”
Người phụ nữ kia?
Nó còn không gọi Tống Phục là mẹ, là vì cô ta đối xử không tốt sao?
Tôi nghĩ mãi, cuối cùng vẫn nhận tiền.
Dù sao đi nữa, ở bên tôi cũng chẳng khá hơn gì.
Tôi lắc quẻ, nói cho nó đáp án:
“Mẹ ruột cháu họ Giang, nhưng chữ đằng sau hơi khó đoán.”
“Nếu cháu mua bùa Thông Thiên của cô, sáu nghìn bốn trăm tám mươi tệ, cô lập tức nói cho cháu biết.”
4
Lần này Thích Hứa vừa khóc vừa bị Tống Phục kéo đi.
Bởi vì tôi đã lừa sạch tiền mua đồ chơi của nó, cũng không nói cho nó biết chữ đằng sau là gì.
Lúc đi, nó khóc lóc thảm thiết:
“Hu hu hu, quả nhiên mẹ chính là kẻ đại lừa đảo, hu hu hu, Transformers của con, Ultraman của con, hu hu hu…”
Quả nhiên nó cố ý tới tìm tôi.
Nhưng… ai nói cho nó biết tôi là mẹ nó?
Là Thích Dật? Hay là bố mẹ của anh ta?
Nhưng cho dù là ai, hẳn cũng không có lý do để nói ra mới phải.
Tiếng khóc của đứa nhỏ náo loạn cả lên, khiến mấy người cùng nghề bên cạnh đều nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ.
Tôi vẫn mặc kệ.
Cưỡi chiếc xe điện cũ, không ngoảnh đầu lại.
Tôi cứ nghĩ, cậu thiếu gia nhỏ ấy hẳn cũng biết khó mà lui rồi.
Nhưng mấy ngày sau, nó vẫn đều đặn tìm đến sạp của tôi.
Đưa tiền.
Tôi dọn sạp sang hướng đông, rồi lại dời sang hướng tây, thậm chí chạy sang trước cổng chùa ngồi, cũng không thoát nổi nó.
Lần cuối cùng.
Nó mặc quần yếm, đeo ba lô nhỏ, tự nhiên ngồi lên ghế tôi.
“Đại lừa đảo, con muốn ở nhà cô.”
“……”
Tôi cúi đầu thu dọn đồ thật nhanh, còn rút luôn cái ghế dưới mông nó về.
Thích Hứa ngã phịch xuống đất.
Sau đó lồm cồm bò dậy, bàn tay nhỏ vỗ vỗ bụi, ánh mắt đáng thương nhìn tôi.
Nó thực sự rất biết cách làm người khác mềm lòng.
Giống y hệt Thích Dật đôi lúc cũng thế.
Tôi đè nén cảm xúc trong lòng, không để ý tới nó, quay người bỏ đi.
Thiếu gia nhà giàu ra ngoài sao có thể không có người theo dõi.
Tất cả đều là chiêu trò cả thôi.
Nhưng đi qua khúc quanh, rốt cuộc tôi vẫn không lên chiếc xe điện đó.
Mà đổi hướng đi đường vòng, lặng lẽ nhìn Thích Hứa từ một phía khác.
Nó vẫn đứng nguyên tại chỗ, hai bàn tay nhỏ lúng túng nắm chặt, dõi mắt nhìn về hướng tôi rời đi.
Nhìn hệt như một bức tượng thu nhỏ tinh xảo.
Ngũ quan của nó giống tôi, nhưng khí chất lại giống Thích Dật hơn.
Ngay khoảnh khắc đầu tiên tôi nhìn thấy nó ngày hôm ấy, lòng tôi đã rung lên không kiểm soát.
Suýt nữa bật khóc.
Nhưng tôi diễn rất giỏi.
Nửa tiếng trôi qua.
Thích Hứa không rời đi, người nhà họ Thích cũng chẳng ai xuất hiện.
…Thích Dật đối xử với con trai mình như vậy sao?
Là vì đã biết nó không phải con của Tống Phục, nên hoàn toàn không quan tâm nữa?
Trong lòng dâng lên một nỗi xót xa khó nói thành lời.
Tôi nhìn Thích Hứa rất lâu, cuối cùng vẫn quay lại đứng trước mặt nó.
“Đi thôi, về nhà với cô.”
5
Đôi mắt Thích Hứa lập tức sáng rực.
Lấp lánh như những viên bi thủy tinh đủ màu sắc.
“Vâng ạ!”
Nó nắm lấy tay tôi, trên mặt tràn ngập vẻ vui sướng.
Lên xe điện nhỏ rồi.
Từ phía sau, Thích Hứa vòng tay ôm eo tôi, căng thẳng hỏi:
“Đại lừa đảo ơi, bây giờ cô ly hôn rồi đúng không? Cô còn đứa nhỏ nào khác không?”
Tôi sững người một chút.
Có thể hỏi ra hai câu đó, xem ra nhà họ Thích chắc chắn có người đang điều tra tôi.
Tôi nghĩ ngợi giây lát, không trả lời mà hỏi lại:
“Muốn biết à? Vậy đổi thông tin với cô đi.”
“Ai nói cho cháu biết phải đi tìm mẹ?”