Nếu có điều gì có thể khiến tôi tức giận đến đỉnh điểm,
thì việc kèm con học bài chắc chắn đứng đầu danh sách.

Mà tôi — một bà nội trợ toàn thời gian —
ban ngày quán xuyến hết thảy việc nhà cho cả đại gia đình,
ban đêm và cuối tuần lại phải kèm con trai học.

Thế mà con trai tôi lại liên tục nguyền rủa tôi đi chết.

Chồng thì ngồi bên thảnh thơi xem mấy nữ streamer ăn mặc hở hang.
Cha mẹ chồng thì ngồi gặm hạt dưa, vừa xem kịch vừa đổ thêm dầu vào lửa.

Vậy mà tôi vẫn cắn răng chịu đựng, lên đủ mọi kế hoạch học tập lớn nhỏ cho con,
cuối cùng giúp nó thi đỗ vào đại học 985.

Con trai làm khóa luận tốt nghiệp đạt giải,
nó mua quà cho bản thân, cho bố nó, cho ông bà nội —
duy chỉ không có tôi.

Về sau, cả nhà đều được mua bảo hiểm,
chỉ duy nhất tôi là không có tên.

Tôi vì lao lực mà ngã bệnh nặng, nằm liệt giường trong bệnh viện,
vậy mà con trai tôi làm ngơ trước lời kêu cứu của mẹ,
để mặc tôi nằm đó, chết không nhắm mắt.

Khi tôi mở mắt lần nữa, thứ vang lên bên tai lại là tiếng con trai chửi mắng ầm ĩ.

1

“Suốt ngày chỉ biết quản tôi, kiểm soát tôi đủ thứ, không cho tôi ăn chơi, chán chết đi được.”

“Mẹ kiếp, bà có thể chết đi được không?!”

Nước bọt của con trai bắn cả vào mặt tôi, khiến tôi ngớ người.

Tôi đảo mắt nhìn quanh, và bị khung cảnh quen thuộc trước mắt làm cho kinh ngạc.

Tôi đã trọng sinh, trở lại năm con trai tôi học lớp 9!

Vì chỉ còn một năm cuối cùng trước kỳ thi vào cấp ba, nên tôi đã lên một kế hoạch ôn thi trung học rất cụ thể cho nó.

Hôm nay là ngày thứ năm trong kế hoạch, và vừa về đến nhà, nó đã bùng nổ.

Vừa bước vào cửa đã chửi thề, bóng gió mắng mỏ.

Tôi mới chỉ mở miệng hỏi một câu, nó đã ném thẳng vào mặt tôi câu nói vừa rồi.

Nó tiện tay ném cây bút dịch từ tôi mua cho, đập xuống đất rồi giẫm nát tan tành.

“Cái thứ tiếng Anh chết tiệt này! Tự bà học đi! Đừng áp đặt ước mơ của bà lên đầu tôi! Bắt tôi phải thay bà hoàn thành, đồ ích kỷ!”

Đây đã là lần thứ ba trong tuần này nó phát cáu.

Tôi bình tĩnh hỏi nó:
“Không phải con từng nói, nếu không đậu trường trọng điểm thì sẽ không học tiếp sao?”

Nó bật cười khinh miệt:
“Từ khi vào cấp 2, lần nào tôi chẳng nằm trong top đầu lớp. Một cái trường trọng điểm nhỏ bé, bà tưởng tôi không thi đậu nổi chắc?”

Bà nội đang ngồi trên ghế sofa chen vào:
“Đúng đấy Hạ Nhan, con nghiêm khắc với Viên Viên quá rồi. Cháu nội nhà mình thông minh thế, cần gì học nhiều như vậy. Mấy cái sắp xếp của con khiến nó ngộp thở rồi, con phải tự kiểm điểm đi.”

Ông nội nhả vỏ hạt dưa, cũng gật gù theo.

Tôi hỏi họ:
“Mỗi tối học thêm một tiếng, thứ Bảy học ba tiếng, Chủ Nhật nghỉ hoàn toàn — với một học sinh ôn thi, như vậy là quá nghiêm khắc sao?”

Viên Viên đập cặp xuống đất:
“Bà là đồ cuồng kiểm soát! Bà thấy sung sướng khi khống chế tôi, nên mới không thấy nó nặng nề. Tôi cũng là con người, tôi cần được thở! Trả lại cuối tuần và buổi tối cho tôi!”

Lúc đó, chồng tôi – Thường Bình – mở cửa bước vào, cau mày:
“Lại ầm ĩ gì nữa đây? Từ ngoài hành lang đã nghe tiếng cãi nhau.”

Anh ta quay sang tôi, hỏi thẳng:
“Hạ Nhan, lại cằn nhằn Viên Viên nữa đúng không?”

Cả nhà… đều cho rằng tôi sai.

Tôi nhớ lại kiếp trước, vào thời điểm này, tôi đã cố hết sức đưa ra đủ loại lý do để chứng minh con mình sẽ thụt lùi nếu không cố gắng.
Và cái tôi nhận được, là ánh mắt khinh bỉ, phẫn nộ của cả nhà.
Tôi cảm thấy vừa đáng thương vừa nực cười.

Lần này, tôi không còn giận, cũng chẳng vội vàng.
Tôi hỏi con trai:
“Vậy con muốn thế nào?”

Viên Viên ngạc nhiên nhìn tôi, như thể không ngờ tôi lại hỏi vậy.

Nó sững lại mấy giây, rồi lên tiếng:
“Trước hết, tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, bà không được phép quản tôi!”

Tôi gật đầu:
“Được.”

2

Viên Viên trừng mắt đến sắp lòi cả con ngươi.
Không thể tin nổi, cậu ta hỏi lại:
“Mẹ đừng qua loa với con! Con nói nghiêm túc đấy!”

Thường Bình (chồng tôi) cũng đã kịp giấu đi vẻ ngạc nhiên trên mặt, xen vào:
“Hạ Nhan, con trai đang tuổi lớn, em đừng ép nó quá.”
“Em làm vậy nó trầm cảm luôn bây giờ thì sao!”

Bà nội ngồi một bên tiếp lời đổ thêm dầu vào lửa:
“Viên Viên nhà ta vốn ngoan ngoãn, bây giờ bị mẹ nó ép tới mức thành vấn đề tâm lý rồi đấy!”

Ông nội hậm hực hắt cả vỏ hạt dưa xuống đất:
“Hồi xưa mà ép con ra nông nỗi này thì bị lôi ra ngoài đường bêu rếu rồi!”

Tôi bật cười, buông tay:
“Cả nhà sao mà kích động vậy? Tôi nói gì đâu?”

Bà nội nhe răng trợn mắt mắng tôi:
“Không cần nói, tôi cũng biết là cô sẽ không đồng ý cho Viên Viên nghỉ ngơi nhiều hơn, tôi đâu phải ngày đầu tiên sống chung với cô!”

Tôi không thèm để ý đến bà ta, quay sang hỏi con trai:
“Còn yêu cầu gì khác không?”

Viên Viên nhìn sang người nhà, rồi thử dò xét nói tiếp:
“Ngoài hai điều hồi nãy, con còn muốn hủy cái quy định chỉ được dùng điện thoại 45 phút mỗi ngày. Con muốn chơi bao lâu thì chơi, livestream cũng được, game cũng được, cho dù có livestream đến ba giờ sáng cũng không được cấm!”

Tôi lại gật đầu:
“Được.”

Ánh mắt nó càng thêm ngỡ ngàng.
Nó lập tức lấy giấy bút ra, cúi đầu viết xoạt xoạt một loạt mười mấy điều kiện.

Tôi liếc sơ qua, nội dung tổng thể chính là:
“Mẹ hãy buông tay toàn bộ cuộc đời con.”

Nó đưa giấy cho tôi:
“Ký vào đi. Chỉ khi mẹ ký, con mới tin mẹ thật sự nghiêm túc.”

Tôi đảo mắt nhìn chồng và cha mẹ chồng.

Bọn họ đều dùng ánh mắt kiểu “đã nhìn thấu cô từ lâu”, như thể chỉ chờ tôi nói “không”, là sẽ lập tức nhảy vào chỉ trích y như vừa rồi.

Cuộc sống như vậy, tôi đã chịu đựng suốt gần mười năm.

Con trai tôi, vốn không phải kiểu người có năng khiếu học hành.
Những kiến thức mà người ta chỉ mất một phút là hiểu, nó phải mất cả nửa tiếng để ngấm.

Thế nhưng, từ nhỏ nó đã thích làm “số một”, thích người khác gọi nó là thiên tài.

Thiếu năng khiếu mà lại muốn đậu trường điểm, muốn hưởng ánh mắt ngưỡng mộ của người khác, thì chỉ có cách nỗ lực gấp đôi.

Kiếp trước, sau khi hiểu rõ tình trạng của nó, tôi đã lựa chọn từ bỏ sự nghiệp để dồn tâm sức vào nó.

Tôi nghỉ việc dạy học, về làm nội trợ toàn thời gian, chuyên tâm ở nhà dạy con, chăm sóc chồng con và cha mẹ chồng.
Từ một đứa “đội sổ lớp”, tôi kéo thành học sinh top 10 toàn khối.

Ngày nào cũng xoay quanh công việc nội trợ, chăm sóc ông bà, mua tài liệu học, lên kế hoạch học tập, kèm bài, củng cố kiến thức, kết hợp nghỉ ngơi điều độ.

Gần mười năm trôi qua, năm nào cũng như thế.

Dù cuộc sống vất vả, đơn điệu, nhưng mỗi lần thấy nó tiến bộ, tôi đều cảm thấy mọi thứ đều xứng đáng.

Tôi nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác những trận nổi nóng vô cớ,
chịu tiếng xấu vô căn cứ để nuôi nấng nó trở thành sinh viên ưu tú khoa thiết kế của trường đại học 985,
tác phẩm tốt nghiệp còn giành được giải thưởng lớn.

Kết quả thì sao?

Lúc đứng phát biểu trên sân khấu, nó cảm ơn đủ người:
Từ chính nó, đến ba nó, ông bà nội, thầy cô, bạn học, thậm chí là con mèo hoang trong khu nhà.
Duy chỉ có mẹ nó – tôi – là không hề được nhắc tới một chữ.

Tiền thưởng cũng gạt tôi ra ngoài.

Tốt nghiệp đại học, dựa vào những “hào quang” mà tôi giúp nó có được,
nó vào được công ty danh tiếng.

Tháng lương đầu tiên, nó lập tức chuyển ra ngoài sống.
Suốt cả năm không về nhà, ngay cả Tết cũng chẳng thèm ghé.

Sau này, tôi vì tích tụ uất ức mà đổ bệnh, nằm viện, chỉ mong được gặp con.

Nó chậm chạp mãi nửa tháng sau mới chịu đến.

Vừa thấy tôi, nó vẫn dán mắt vào điện thoại, cười khúc khích.

Tôi chưa nói hết một câu, nó đã gắt gỏng cắt ngang:
“Tôi đã tự lập rồi, chơi cái điện thoại thôi mà bà cũng muốn quản?”

Lần cuối nó đến bệnh viện, là lúc tôi hấp hối.
Nó hấp tấp tới nơi, rồi quay sang bác sĩ yêu cầu dừng điều trị.

Hiện tại, nhìn tờ giấy trước mặt, tôi khẽ cười, cầm bút, dứt khoát ký tên.

“Từ hôm nay, con được tự do rồi, Viên Viên.”