15

Khi tôi bước vào lớp, cả lớp như bùng nổ.
Phó Lỗi thậm chí còn đứng dậy hét to:

“Tôn Thư Nghi! Thần của Bát Trung!”

Mọi người đều rất vui.
Đa số học sinh Bát Trung là những người từng trượt Nhất Trung trong kỳ thi vào cấp ba, suốt ngày bị học sinh Nhất Trung chèn ép.
Giờ đây người đứng đầu lại đến từ Bát Trung, đương nhiên là hả hê vô cùng.

Thầy chủ nhiệm cười đến tận mang tai, đứng trên bục giảng đầy phấn khích:

“Bát Trung chúng ta, cũng có thể bay ra phượng hoàng vàng! Ở đây, thầy muốn xin lỗi bạn Tôn Thư Nghi! Trước đây là thầy đã hiểu nhầm em, thầy sẽ xin hiệu trưởng khôi phục điểm thi tháng cho em!”

Câu nói có phần quê mùa, nhưng nghe lại… thấy ấm lòng lạ thường.

“Các em phải học tập bạn Tôn Thư Nghi! Từ hạng một nghìn toàn trường lên đến thủ khoa kỳ thi liên tỉnh – đây chính là huyền thoại!”

Lúc đó, cô bạn tóc ngắn ngồi sau tôi khều nhẹ, đưa cho tôi một viên kẹo mút:

“Tôn Thư Nghi, trước đây tớ thật sự đã hiểu nhầm cậu, xin lỗi nhé. Sau này tớ có thể hỏi bài cậu không?”

“Cậu từng gọi tớ là chó liếm, giờ thì sao?” – Phó Lỗi quay lại trêu chọc.
Kết quả bị cô ấy đập thẳng vào đầu.

“Tuần sau trong lễ chào cờ, hiệu trưởng đã chọn bạn Tôn Thư Nghi lên phát biểu. Đến lúc đó cả lớp mình phải cổ vũ nhiệt tình nhé, dù gì bạn ấy cũng là niềm tự hào của lớp 10 chúng ta!”

16

Lễ chào cờ.
Tôi mặc đồng phục nghi lễ, đeo bảng tên đặc biệt do nhà trường trao tặng.

Đứng trên bục cao nhìn xuống hơn bốn nghìn học sinh toàn trường bên dưới.

Tôi nắm chặt micro, im lặng trong giây lát.

“Các bạn học sinh thân mến, mình là Tôn Thư Nghi – học sinh lớp 12A10. Có thể có người đã nghe về mình, cũng có thể chưa.”

Khi còn là Lâm Mân, tôi từng phát biểu rất nhiều lần:
Là chủ tịch hội học sinh, là thí sinh dự thi, là đại diện tiêu biểu…

Nhưng với thân phận Tôn Thư Nghi, đây là lần đầu tiên.

Tôi không thể kìm được tiếng tim đập mạnh mẽ trong lồng ngực.

Giữa những tràng pháo tay vang dội, tôi đón lấy bằng khen từ hiệu trưởng.

Cúi người thật sâu để cảm ơn ông.

17

Vì kỳ thi lần này, tôi bỗng trở thành tâm điểm. Thậm chí có giáo viên từ Nhất Trung muốn mời tôi đến trường họ diễn thuyết, chia sẻ làm sao tôi từ đội sổ vươn lên đứng nhất.

Tôi chẳng có bí quyết gì cả, vì thật ra… tôi vốn không phải là Tôn Thư Nghi.

Nhưng có chuyện còn khiến tôi lo lắng hơn.

Chiều nay là kiểm tra thể lực.

Từ sau khi nhập vào thân xác này, tôi chưa hề vận động. May mà chạy 800 mét thì vẫn vừa đủ điểm qua.

Đến lượt chạy 50 mét, tôi thấy Chu Nghiêm Phi đang đứng bên khu vực lớp chọn vẫy tay với tôi.

Cậu ấy đúng thật đã thi vào top 10 toàn khối lần này, vậy nên tôi luôn cố tránh mặt.

Tuy nhiên, vừa khi tiếng súng lệnh vang lên, tôi lao ra thì đột nhiên — một chai nước đầy không biết từ đâu bay đến, đập thẳng vào trán tôi.

Trước mắt tôi tối sầm lại. Khi lấy lại được ý thức, tôi phát hiện mình đang lơ lửng trên không, nhìn xuống thân thể Tôn Thư Nghi.

Tôi… bị một cái chai nước đập bay hồn ra khỏi xác?!

Mọi người lập tức vây lại. Thầy giáo thể dục sờ vào cổ Tôn Thư Nghi, hoảng hốt hét lên:
“Lấy điện thoại cho tôi gọi cấp cứu! Không còn mạch nữa!”

Mặt ai nấy đều tái xanh.

Tôi thấy Chu Nghiêm Phi chạy tới, mặt cậu ấy ướt đẫm mồ hôi:
“Thầy ơi, em học qua sơ cứu, để em làm!”

Cậu ấy bắt đầu ép tim cho Tôn Thư Nghi, lặp lại hàng chục lần.
Rồi cậu ấy bóp mũi, ghé sát môi — hô hấp nhân tạo.

Tôi cố thử nhập lại vào cơ thể, nhưng cứ bị đôi tay của Chu Nghiêm Phi cản lại, như thể hồn cũng bị đẩy bật ra.

“Làm ơn tránh ra đi, tôi phải vào lại mà!!”
Nhưng không ai nghe thấy.

“Thầy ơi, xe cấp cứu tới chưa?!”
“Đang đến rồi!!”

Tôi nhìn gương mặt trắng bệch của Tôn Thư Nghi, vẫn không quên quan sát xem rốt cuộc là ai ném cái chai nước.
Mọi người đều dồn quanh đây, không ai để ý, nhưng tôi lại thấy một bóng người quen thuộc đang lặng lẽ rời đi.

Không kịp nghĩ nhiều, nếu linh hồn rời thể xác quá ba phút, cơ thể sẽ bị hủy hoại.

Tôi gồng mình xông vào cơ thể đó một lần nữa.

Lúc nhập vào được, tôi đã kiệt sức.

Dù mạch đập đã trở lại, nhưng mắt tôi vẫn không mở ra nổi.

Mãi đến khi tôi cảm nhận được một luồng gió lướt qua mặt, tôi phản xạ ôm miệng lại.

Mở mắt ra, đập vào mắt là đôi mắt hoe nước của Chu Nghiêm Phi.

Cậu ấy mở to mắt nhìn tôi, rồi thở phào nhẹ nhõm. Mồ hôi từ cằm cậu rơi xuống.

“Cậu không sao chứ?” – bên tai vang lên tiếng còi cứu thương.

Tôi nhìn khuôn mặt cậu dưới ánh sáng ngược chiều, cậu vội vàng bế tôi lên, trái tim trong ngực cậu đập thình thịch không ngừng.

Hồi sức tim phổi quả thật rất mệt, giờ xương sườn tôi đau nhức kinh khủng.

Nhưng nếu lần này tôi không vào lại được thân thể cô ấy…

Vậy thì giữa tôi và Tôn Thư Nghi, sẽ thật sự chấm hết.

Trên xe cứu thương, tôi nằm thẳng đơ, quay sang hỏi Chu Nghiêm Phi:
“Vừa nãy… cậu có phải đã hôn tôi không?”

“Đó là hồi sức tim, đồ ngốc.” – cậu quay mặt đi, nhưng tôi thấy yết hầu của cậu rõ ràng trượt lên trượt xuống một cái.”

18

Ban đầu nhà trường nhất quyết bắt tôi nghỉ ngơi vài ngày, nhưng tôi vẫn quyết định đến trường.

Nghe nói gần đây Hứa Kiệt đã bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi Toán Olympic.

Những trường trung học trọng điểm thường có suất tuyển thẳng, nhưng Bát Trung là trường phổ thông bình thường, nên tôi chỉ có thể dựa vào kỳ thi đại học để một lần nữa bước vào Thanh Hoa.

Tôi dường như dần dần đã nghĩ thông suốt. Nếu không thể rời khỏi thân thể này, vậy thì hãy dùng thân thể này để sống thật tốt.

Tôi vẫn muốn một lần nữa đi lại con đường trước đây.

Nhưng điều bất ngờ đã đến rất nhanh — giáo viên chủ nhiệm nói vì tôi có thành tích xuất sắc trong kỳ thi giữa kỳ, ban giám hiệu đặc cách trao cho Bát Trung hai suất thi Olympic, và quyết định chọn tôi cùng với Tiêu Lĩnh.

Trước đây tôi từng học qua lớp thi học sinh giỏi, đã đạt giải Nhất cấp tỉnh, nhưng do phải mổ ruột thừa nên đã bỏ lỡ cơ hội tiếp tục.

Giờ đây có thể coi là một cơ hội trời cho.

Tuy nhiên, trường phổ thông bình thường gần như không có giáo viên giỏi dạy chuyên sâu về Olympic, nên ngay cả Tiêu Lĩnh cũng từng thất bại trong kỳ thi năm lớp 11.

Nhưng tôi thì khác — tôi từng gặp được những người thầy rất tốt, nên kiến thức khung về thi học sinh giỏi vẫn còn nguyên vẹn trong đầu tôi.

Thầy giáo nhất quyết đăng ký cho chúng tôi vào một lớp huấn luyện bên ngoài, nói là có rất nhiều trường trọng điểm cùng học với nhau.

Mà khi những đứa thông minh tụ lại thì… thường chẳng có gì yên ổn.

Tôi đẩy cửa bước vào, quả nhiên, phần lớn là con trai.

Tôi tìm một góc rồi ngồi xuống. Hầu hết họ đều là học sinh lớp 11, đi cùng nhóm.

Theo kinh nghiệm của tôi, đa số bọn họ đều khá kiêu ngạo, kể cả người trông có vẻ thân thiện, cũng vậy thôi.

Người có thể lọt vào đây đều là những cá nhân ưu tú nhất.

Nhưng khi thầy phụ trách khóa huấn luyện bước vào, dây thần kinh trong tôi như đứt phựt một tiếng.

Tôi biết anh ấy. Tôi chắc chắn đã từng biết anh ấy.

Anh đeo kính gọng không viền, mặc sơ mi trắng, trẻ tuổi, nho nhã, lịch thiệp.

Dường như anh ấy đã tồn tại trong ký ức tôi từ rất lâu, rất lâu trước đây.

“Tôi là Giang Ký Bạch.”

Trong đầu tôi vụt qua một câu nói:
“Phản biện 1 – Giang Ký Bạch.”

Anh ấy là bạn học cũ của tôi?

Có lẽ là ánh mắt tôi nhìn anh quá nóng bỏng, hoặc do câu nói kia khiến tôi mất hồn.

Giang Ký Bạch lạnh lùng nhắc nhở:
“Bạn ngồi trong góc kia, làm ơn lấy tài liệu ra đi. Đến đây mà còn lơ đãng thì chi bằng về nhà tự học còn hơn.”

Nhưng cú đánh mạnh hơn đến từ bài kiểm tra nhỏ sau đó.

Vì đã gần ba năm không đụng đến đề thi Olympic, trong một nhóm toàn những người đã được huấn luyện cường độ cao ít nhất một năm, tôi thảm bại, xếp thứ ba từ dưới lên.

Tôi nghe rất rõ cậu bạn đeo kính ngồi cạnh khịt mũi một tiếng “hừ” khinh thường.

“Cậu chưa từng học Olympic phải không?”

“Hử?”

“Cái này cần thiên phú đó. Cậu có thể học tốt các môn thi đại học, nhưng Olympic toán mà không có năng khiếu, cao lắm cũng chỉ được giải Nhì tỉnh.”

“Nói thật, học sinh trường phổ thông đến đây chỉ phí thời gian thôi.”
Cậu ta đẩy đẩy gọng kính, nói tiếp:

“Tôi nhớ năm ngoái học sinh đứng đầu toàn trường của Bát Trung cũng…”

“*Cậu chắc là chưa từng gặp Hứa Kiệt của Nhất Trung đâu nhỉ? Cậu ấy mới đúng là thiên tài, là yyds của tớ đấy!**”
(*yyds: 永远的神 – “vị thần vĩnh viễn”, từ lóng Trung Quốc ám chỉ ai đó là đỉnh cao không ai vượt được)

Tôi chỉ “ừ ừ” cho qua, nhưng ánh mắt lại dõi theo Giang Ký Bạch.

Anh đang ghi chép lại điểm số.

Tan học, tôi ở lại hỏi anh:
“Thầy là người của Thanh Hoa à?”

Anh liếc tôi một cái, đôi mắt dài hẹp mang sẵn vẻ áp lực lạnh lùng.
“Ừ.” – Anh đáp nhàn nhạt.

Nhưng tôi cứ cảm thấy… trong ký ức của mình, đã từng thấy anh cười rất nhiều lần.

“Thầy có biết Lâm Mân không?” – Tôi hỏi tiếp.

Anh dừng viết, ngẩng đầu nhìn tôi:
“Em biết Lâm Mân?”

Tôi gật đầu.

Anh khép cuốn sổ lại:
“Tôi không muốn nói về cô ấy. Nếu có thời gian rảnh thì nên dùng để cải thiện thành tích thì hơn.”

“Thầy và cô ấy từng cùng tham gia tranh biện, giành giải nhất phải không?”

Anh dường như thoáng nhớ đến khung cảnh ngày hôm đó, ngẩn người ra.

“Đúng.” – Anh cụp mắt xuống.
“Chỉ tiếc là, sẽ không bao giờ có lần thứ hai nữa.”

“Cô ấy mất rồi đúng không? Em muốn biết… cô ấy đã…”

Tôi còn chưa nói hết câu thì đã bị cắt ngang.

“Bạn học Tôn, có vẻ em đã điều tra rất nhiều về tôi.”

Anh bình tĩnh nhìn tôi:
“Tôi không hiểu vì sao em lại quan tâm đến Lâm Mân như vậy. Tôi chỉ có thể nói: không có gì để nói cả.”