7

Khi tôi về đến nhà, vừa bước vào cửa đã thấy bảng điểm dán ngay trên tường.

Mấy chữ to “tụt 216 hạng” còn bị đánh dấu khoanh đỏ nổi bật.

Nếu là tôi của trước đây, chắc chắn giờ này đã hoảng loạn bật khóc.

Chuyện như thế này trước đây cũng từng xảy ra.

Khi ấy, Viên Viên mải chơi, không ôn bài theo kế hoạch tôi đã lập cho nó trước kỳ thi một tuần, kết quả tụt hơn 20 hạng.

Tôi sốt ruột đến mất ngủ suốt đêm, tóc rụng từng nắm, đến mức bị Thường Bình mắng là “quá căng thẳng”.

Trong mắt họ, kết quả lần này đáng lý phải khiến tôi nổi giận đùng đùng,
gào hét đập phá, gây náo loạn khắp nhà.

Lúc này, cả nhà ngồi trên ghế sofa, len lén quan sát phản ứng của tôi.

Chỉ có Viên Viên là thoải mái, cuộn mình trên sofa chơi game trên điện thoại, lâu lâu còn buông vài câu chửi tục khi phối hợp cùng đồng đội.

Tôi bình tĩnh thay giày, bước vào nhà.

Thấy tôi vẫn không biểu cảm, không phản ứng, cả nhà bắt đầu diễn kịch trước mặt tôi.

Bà nội cố ý nhồi đồ ăn nhiều calo cho Viên Viên,
ông nội bưng đĩa trái cây tới đút tận miệng,
còn Thường Bình thì tra Google tìm đáp án bài tập để đưa cho con chép.

Thậm chí còn cố tình nói to để tôi nghe:

“Viên Viên à, không sao hết. Câu hỏi có khó đến đâu cũng có sẵn đáp án hết. Con cứ chép thôi, khỏi phải động não!”

Con trai vui vẻ đáp lại:
“Con đã nói rồi mà, cách này hiệu quả. Mẹ con thì lúc nào cũng bảo phải suy nghĩ, phải tư duy, như bà cổ lỗ sĩ ấy!”

Nó chép bài hăng say vô cùng.

Chẳng mấy chốc đã chép xong sạch sẽ.

Thường Bình lại nói:
“Con trai à, kỳ thi sau nhất định con sẽ đứng nhất lớp! Hạ Nhan, em thấy sao?”

Tôi nhướng mày:
“Việc của anh với con, hai người tự quyết. Không cần hỏi tôi.”

Viên Viên nghe vậy thì huýt sáo:
“Mẹ nghĩ lần này con thi kém là vì không có mẹ giúp đúng không? Pfft! Đừng có tự tâng bốc bản thân! Con cố tình chơi xả hơi đấy, chỉ là thi giữa kỳ thôi, đâu phải đại sự gì. Chỉ cần con nghiêm túc thì hạng nhất chẳng là cái đinh gì cả!”

Tôi giơ ngón tay cái:
“Giỏi lắm.”

Nó càng thêm đắc ý.

Nhưng những người khác thì không thể ngồi yên nổi nữa, từ chân tóc cũng lộ ra vẻ sốt ruột.

Trong suốt hai ngày cuối tuần, cả nhà thi nhau nuông chiều con, cố tình diễn trò trước mặt tôi — hy vọng tôi sẽ nổi điên.

Thường Bình thậm chí còn đưa con đi làm cùng, quay sang nói với tôi:
“Không có em, anh vẫn cân được cả công việc lẫn con cái.”

Kết quả là, vừa đến nơi, Viên Viên đã mở miệng bô bô bàn về phong thủy, nào là “nhà này sát khí nặng”, “cửa chính không tụ tài”…
Dọa cho khách xem nhà chạy mất dép.

Thường Bình vì thế mất luôn hai hợp đồng lớn, tháng này xem như không có tiền hoa hồng.

Vậy mà khi về nhà, anh ta vẫn cố tỏ ra thản nhiên, còn khen con trai có “linh khí”, nói dù có làm hỏng hợp đồng cũng đáng giá.

Bởi anh ta tin chắc rằng tôi sẽ vì lo cho anh ta mà quay về quản lý con trai.

Nhưng lúc đó, tôi đang bận dạy học online cho học viên của trung tâm, không có thời gian, cũng không có tâm trí để quan tâm đến cha con họ.

Đến thứ Hai, mọi thứ bắt đầu rối loạn.

Viên Viên chơi game đến bốn giờ sáng, giờ thì dậy không nổi, không chịu đi học.
Ông bà nội thì bưng đồ ăn đến giường, dỗ dành từng miếng, vậy mà vẫn không thể kéo nó dậy nổi, còn bị nó đẩy một cái suýt ngã.

Thường Bình không chịu nổi nữa, cơn giận dồn nén mấy tuần hóa thành một cái tát giáng thẳng vào mặt con trai.

Viên Viên hét ầm lên:
“Mẹ tôi còn chưa đánh tôi bao giờ! Ông lấy tư cách gì đánh tôi? M nó!”*

Nó đập phá đồ đạc khắp nhà, la hét ầm ĩ, rồi chui vào chăn trùm kín lại ngủ tiếp.

Khi tôi bước ra khỏi phòng, ba người lớn đều quay lại nhìn tôi.

Ánh mắt của họ đầy oán hận, như thể tôi là nguyên nhân khiến mọi thứ sụp đổ.

Nhưng họ đã quên — con trai vốn đã như vậy, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Chỉ là trước kia có tôi quản, nên mọi hậu quả chưa lộ ra mà thôi.

Khi tôi chuẩn bị rời khỏi nhà, Thường Bình vội vàng bước đến, kéo tay tôi:
“Em… em làm thật à?”

Tôi mỉm cười:
“Cuối cùng anh cũng tin rồi à.”

Anh ta cười lạnh:
“Tôi không cần một người vợ không biết quản việc nhà. Cô không sợ tôi ly hôn với cô sao?”

Bà nội chống nạnh, chen vào:
“Ly dị rồi, cô đừng hòng được gặp lại Viên Viên!”

Nhìn vẻ mặt tự tin tự mãn của họ, tôi không nhịn được mà bật cười:
“Tùy các người.”

Thường Bình nghiến răng:
“Tôi sẽ thật sự ly hôn đấy!”

Ngay lúc ấy, cửa phòng con trai bị mở toang.

Viên Viên ló đầu ra, mắt sáng rực như thấy trò vui:
“Hai người định ly hôn á? Tuyệt vời! Con theo ba! Mẹ, khi nào bà cút đi?”

Tôi mỉm cười:
“Ngay bây giờ cũng được.”

Tôi mới bước ra khỏi cổng được mấy bước,
phía sau đã vang lên giọng nói đắc ý của con trai:

“Yên tâm đi, con là con ruột của bà ta, bà ta có chết cũng không nỡ bỏ con đâu. Cái thứ đàn bà vô dụng ấy, thích diễn thôi chứ làm gì dám đi thật.”

“Hơn nữa, bà ta làm nội trợ nhàn hạ quen rồi, ra ngoài đi làm thì chịu nổi cái khổ gì? Cứ chờ mà xem, chưa tới một tháng là bà ta lại phải quay về cầu xin bọn mình thôi. Đến lúc đó, sẽ tới lượt bọn mình lập quy tắc cho bà ta!”

“Haha, chờ ngày đó đến!”

8

Rời khỏi nhà, tôi dọn vào ở tại ký túc xá của trung tâm giáo dục.

Hàng xóm chủ động nhắn tin cho tôi, bảo rằng từ khi tôi đi, Viên Viên thật sự trở thành “vua trong nhà”, quát tháo ông bà nội như sai người hầu.

Hai ông bà thì vẫn mê cháu như cũ, có gì chiều nấy, lúc nào cũng sợ cháu nội đói chết nên hết nấu cơm lại đặt đồ ăn liên tục.

Còn Thường Bình thì về nhà ngày càng trễ, lại còn thích dắt đồng nghiệp về nhà chơi,
mỗi lần như vậy đều khoe khoang thành tích học tập “lẫy lừng” của Viên Viên.

Anh ta nói con mình là thiên tài, không học cũng đứng nhất.

Chớp mắt đã đến kỳ thi cuối kỳ.

Ngày mai là buổi họp phụ huynh lần hai.

Một phụ huynh của học sinh tôi phụ đạo nhờ tôi thay mặt đến dự họp, vì họ đang ở xa không thể về kịp.

Tôi cũng muốn xem phản hồi học tập của cậu bé, nên nhận lời.

Vừa bước vào lớp, tôi đụng ngay mặt hai cha con Thường Bình.

Viên Viên mập lên thêm một vòng, cười đến nỗi mắt hí thành một đường.

Thấy tôi, nó lập tức nhíu mày:
“Không ai mời bà tới đây, bà đến làm gì?”

Thường Bình hừ lạnh:
“Rõ ràng là đến giành công trạng với con trai chứ gì!”

Viên Viên nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất:
“Mơ đi! Kết quả này là do tự tôi học mà có! Là công của ba tôi, của bà nội, ông nội – chẳng liên quan gì tới bà hết!”

Tôi mỉm cười điềm đạm:
“Các người hiểu lầm rồi, tôi đến thay mặt phụ huynh của Tô Tử Thần, cậu bé đang học bổ túc lớp tôi. Bố mẹ cậu ấy bận nên nhờ tôi đến họp thay.”

Con trai tôi bật cười khinh bỉ:
“Tô Tử Thần á? Thằng đó mới chuyển đến từ giữa học kỳ, đúng là đồ học dốt! Mẹ còn không biết xấu hổ khi đi họp phụ huynh cho nó à? Nhớ nhé, đừng để ai biết bà là mẹ tôi!”

Thường Bình cũng cười theo:
“Học dốt à? Tệ cỡ nào vậy?”

Viên Viên mặt mũi đầy châm biếm:
“Bài thi tháng đầu tiên, toán được 15 điểm, văn 35, tiếng Anh còn thảm hơn – có 8 điểm! Cộng lại chưa nổi 60 điểm. Cả lớp bị nó kéo tụt điểm trung bình!”

Thường Bình khoa trương kêu lên:
“Trời ơi, Hạ Nhan, sao cô lại xuống cấp đến nỗi phải dạy mấy đứa như vậy? Chẳng lẽ trình độ cô thấp quá, chỉ xứng dạy mấy đứa học kém? Hahaha… Lương 8.000 đấy, cô cầm có thấy ngại không?”

Viên Viên đút hai tay vào túi, hời hợt nói:
“Xem ra, mẹ sắp bị đuổi việc rồi. Ba tôi đã thuê người giúp việc, tôi cũng tự học giỏi không cần mẹ kèm nữa. Mẹ có về hay không, chẳng quan trọng gì.”

Thường Bình thêm lời:
“Thấy chưa? Con trai còn rõ ràng hơn cô! Đang yên đang lành làm nội trợ không muốn, lại còn làm trò. Giờ muốn quay về? Không dễ thế đâu!”

Tôi cười nhàn nhã:
“Cũng phải đợi có điểm rồi nói tiếp.”

Con trai tôi chẳng hề xem tôi là người lớn,
chỉ tay vào mũi tôi, vẻ mặt đầy ngạo mạn:
“Lát nữa xem bà chết nhục thế nào!”

Rất nhanh sau đó, cô giáo chủ nhiệm tuyên bố bắt đầu họp lớp.

Trên màn chiếu, bảng điểm kỳ thi cuối kỳ hiện lên rõ ràng từng hàng.

Hạng nhất: Hoàng Nghệ
Hạng nhì: Tôn Phương
Hạng ba: Tô Tử Thần

Còn tên Viên Viên — lại đứng cuối sổ.

Khoảnh khắc đó, cả lớp đều đồng loạt quay sang nhìn hai cha con Thường Bình.

Bởi ngay trước đó, Thường Bình vừa huênh hoang khoe khoang rằng con trai mình sẽ giành hạng nhất.

Dựa vào ấn tượng trước đây với Viên Viên, ai cũng tin.