9

Cậu bé thò đầu nhìn ra ngoài cửa sổ tầng năm, lập tức òa khóc nức nở.

Một lúc sau, khi đã khóc mệt, cậu ta ngồi phệt dưới đất thì mẹ cậu vội vã chạy tới.

Khi biết rõ sự tình, bà mẹ tức đến mức vừa đánh vừa mắng con, còn thừa nhận mình không dạy nổi đứa con này.

Sau khi hiểu rõ đầu đuôi, cô giáo cũng nghiêm túc xin lỗi tôi và Đại Hải.

Cuối cùng, vở kịch ầm ĩ ấy cũng khép lại.

Trên đường Đại Hải dẫn tôi về nhà, tôi lắc tay chú, hỏi:

“Đại Hải, sao tay chú vẫn ra mồ hôi vậy?”

Chú vội buông tay, lau vào ống quần: “Chắc tại trời nóng đấy.”

Tôi biết chú đang nói dối—khi chú xách Lâm Tử Dịch lên, tay run bần bật như sắp rơi luôn cậu ta xuống.

Một người đàn ông vốn luôn nhẹ giọng nhỏ tiếng, vậy mà vì bảo vệ tôi, đã dọa cậu bé đó khóc như mưa.

Về đến nhà, Hiểu Hà còn trêu chú chưa bao giờ làm việc gì “vượt rào” như thế.

“Không ngờ anh cũng có lúc ra oai dữ thần vậy đó!”

Đại Hải đỏ mặt đến mức gần như úp cả mặt vào bát cơm.

Lòng tôi ấm áp lạ thường.

Hôm sau đi học lại, không còn ai dám nói bậy trước mặt tôi nữa.

Bọn họ hiểu rõ—không đánh lại tôi thì thôi, còn chẳng thể nào thắng nổi Đại Hải, người đàn ông hiền lành mà mạnh mẽ ấy.

Tôi tưởng rằng, những ngày tháng sau này của chúng tôi sẽ mãi yên bình hạnh phúc như thế.

Cho đến một đêm, tôi nghe thấy tiếng thì thầm của Hiểu Hà và Đại Hải.

Giọng họ ngập tràn trăn trở.

Đại Hải nghe có vẻ khó xử: “Liệu Duyệt Duyệt có buồn không…”

Hiểu Hà khẽ thở dài: “Chuyện này… tạm thời đừng nói với con bé thì hơn.”

10

【Là nữ chính! Thì ra hai người họ là ba mẹ của nữ chính, bảo sao xuất hiện nhiều vậy.】
【Cuối cùng thì nữ chính cũng sắp chào đời rồi sao? Vậy nữ phụ chuẩn bị bắt đầu gây chuyện rồi.】
【Chắc chắn sẽ gây chuyện. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Trước giờ ngoan ngoãn chẳng qua là vì chưa có đối thủ cạnh tranh thôi.】
【Mong bé cưng nhà chúng ta chào đời thuận lợi.】

Hôm sau, Đại Hải mua cho tôi rất nhiều sách mới.
Tôi lặng lẽ nhận lấy.

Ngày thứ ba, Hiểu Hà mua cho tôi nhiều quần áo mới.
Tôi cũng không hỏi gì.

Ngày thứ tư…

Tôi không hiểu vì sao Hiểu Hà và Đại Hải lại nghĩ tôi sẽ buồn.

Tôi hỏi mấy bạn cùng lớp từng làm chị, một bạn nói sau khi đứa em thứ hai của bạn ấy ra đời, bạn chẳng còn được ăn đùi gà nữa.Đọc full tại page Nguyệt hoa các

Rõ ràng bản thân vẫn còn là trẻ con, nhưng mẹ lại bắt bạn phải chăm em như người lớn.

Bạn bảo có lúc thấy em dễ thương, nhưng có lúc lại thấy em thật phiền.

“Mẹ bạn sinh thêm em bé rồi, sẽ không còn yêu bạn nhiều như trước nữa đâu.”

Cô bạn ra vẻ người từng trải, chắc nịch cảnh báo tôi như thế.

Vậy nên… Hiểu Hà và Đại Hải cũng lo tôi không chấp nhận được ư?

Cuối tuần, Hiểu Hà vui vẻ nói muốn dẫn tôi ra chợ chơi.

Trên đường, cô mấy lần muốn nói lại thôi.
Tôi biết cô có chuyện muốn nói, nên chỉ lặng lẽ chờ.

Đoạn đường dốc hẹp, thỉnh thoảng có người đạp xe đi ngang qua.

Hiểu Hà nắm tay tôi, luôn để tôi đi phía trong, sát tường.

“Tránh ra nào!”

Bỗng một chiếc xe đạp lao tới từ phía trước.

Người đàn ông bóp thắng, mặt đầy hoảng loạn, đâm thẳng về phía chúng tôi.

Trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc, tôi đẩy Hiểu Hà vào trong, còn mình thì lao lên che chắn trước bụng cô, dùng lưng đỡ lấy cú va chạm từ chiếc xe đang lao tới.

“Mẹ ơi, cẩn thận em bé!”

11

“Rầm” một tiếng, xe và người cùng ngã xuống đất.

Người đàn ông thấy sắp đâm trúng người thì vội ngửa người ngã xuống để giảm lực, ngã lăn ra đất.

Hiểu Hà theo phản xạ ôm chặt lấy tôi.

Không lâu sau, những giọt nước rơi lộp độp lên đầu tôi.

Tôi ngẩng lên thì thấy nước mắt đang lưng tròng trong mắt cô.

“Thì ra… con biết rồi à.”

Cô ngồi xổm xuống ôm tôi:
“Xin lỗi con, mẹ vẫn chưa nghĩ ra nên nói thế nào.”

“Con có thích em bé không?”

Tôi gật đầu:
“Con thích!”

“Con sẽ yêu thương em bé.”

Lời cảnh báo của cô bạn vẫn vang lên trong đầu tôi, nhưng tôi không đồng ý với điều đó.

Tôi đã nhận được thật nhiều, thật nhiều yêu thương từ Hiểu Hà và Đại Hải.

Tôi cũng muốn giống như họ, trao tình yêu cho đứa em bé bỏng sắp chào đời.

Còn một câu tôi không nói ra—người đầu tiên chia sẻ tình yêu của họ, chính là tôi.

Khi Hiểu Hà dắt tôi về nhà, đột nhiên cô dừng bước.

“Duyệt Duyệt, lúc nãy con gọi mẹ là gì vậy?”

“Hiểu Hà mà.”

“Không phải câu đó! Là câu trước lúc xe đạp lao tới ấy.”

Tôi đỏ mặt:
“Chính là câu đó đó!”

“Không phải đâu… con gọi lại một lần nữa đi.”

12

Cuối cùng thì Hiểu Hà và Đại Hải cũng giãn được lông mày, nở nụ cười thật sự.

Tối hôm đó, họ kéo tôi lại mở một “cuộc họp gia đình” nho nhỏ.
Hai người viết giấy cam đoan, lăn tay điểm chỉ, thề rằng sẽ luôn đối xử tốt với tôi như trước.

Tôi bị vẻ mặt nghiêm túc của họ chọc cười khúc khích không ngừng.

Lúc tắt đèn chuẩn bị đi ngủ, tôi nói vọng ra ngoài:

“Chúc ngủ ngon, mẹ… ba.”

Tôi nhanh chóng đóng sập cửa lại.
Ngoài phòng khách lập tức vang lên một tràng la hét ngạc nhiên vang dội và chân thật đến buồn cười.

Từ sau hôm đó, Đại Hải tràn đầy khí thế, mỗi ngày đều hăng hái ra công trường làm việc, đi sớm về muộn hơn trước.

Cuộc sống ngày càng có hy vọng, có mục tiêu rõ ràng.

Tối thứ Sáu hôm ấy, tôi cầm bài kiểm tra được điểm tuyệt đối, nhảy chân sáo về đến nhà.
Vừa bước vào, tôi thấy trong nhà có không ít người.

Toàn là các chú bác, trông rất quen mắt—hình như là mấy người bạn làm chung công trường với ba.

Tôi cứ tưởng họ đến chơi.

Không ngờ, họ lại đang bàn bạc chuyện phân chia tài sản, người thì chọn tivi mới mua, người thì nhắm cái ghế sofa, chuẩn bị bê đi khỏi nhà.

Chú Vương còn đang khuân chiếc bàn học mới trong phòng tôi ra, thì ba tôi vội vàng bước đến ngăn lại:

“Mấy cái khác thì được, riêng cái bàn này không thể mang đi.”

Chú Vương gắt gỏng:
“Vậy anh tính dùng gì để trả nợ? Không đưa tiền thì tôi mang cái bàn này đi.”

Lúc ấy mẹ tôi từ phòng ngủ bước ra, đưa cho chú Vương một chiếc đồng hồ:

“Chiếc đồng hồ này còn quý hơn cái bàn, chú Vương cầm đi.”

Tôi không rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng nhìn những người ngày thường xưng huynh gọi đệ với ba, bây giờ lại hành xử chẳng khác gì cướp, lửa giận trong lòng tôi bốc lên tận óc.

Đạn mạc suốt ngày nói tôi là “loại xấu xa bẩm sinh”.

Đã như vậy, làm gì cũng bị mắng, thì làm gì cũng được thôi, phải không?

Tôi mở tung cửa nhà, lao ra nằm vật trên mặt đất ngay cửa ra vào, gào khóc ầm lên:

“Cứu với! Có cướp vào nhà! Cứu mạng a a a—!”

13

Đám đàn ông kia lần lượt đặt hết đồ xuống, định bước tới ngăn tôi lại.

Tôi lập tức lăn lộn, gào khóc dữ dội hơn, khiến họ chỉ biết bó tay đứng nhìn, cố dỗ tôi nhỏ tiếng một chút.

Đúng vào lúc mỗi nhà đang chuẩn bị nấu cơm buổi tối.

Chẳng bao lâu, dì Trương ở cạnh nhà xách dao bếp chạy qua, chú Lý thì vác chổi hét lớn:

“Duyệt Duyệt! Nhà cháu làm sao thế?”

Đám đàn ông đưa mắt nhìn nhau, bị vạch mặt nên đành ấm ức bỏ đi.

Chú Vương quay đầu lại hằm hằm dọa ba tôi:

“Chúng tôi mặc kệ, chủ thầu chạy mất rồi thì anh phải bù tiền công cho tụi tôi.”

Tôi giơ chân đá vào bắp chân chú ta, rồi chìa tay ra:

“Trả lại đồng hồ cho cháu.”

Chú Vương đau quá kêu lên, giơ tay định đánh tôi.

Chú Lý vội đưa cán chổi chắn ngang trước ngực ông ta:

“Trả lại cho con bé!”

Lúc này chú Vương mới tức tối, giận đến run người, ném cái đồng hồ xuống đất.
Tôi nhanh tay đón lấy.

【Xong đời rồi… sao tự nhiên tôi thấy nữ phụ dễ thương vậy trời.】
【Tôi cũng thế! Bình thường thấy đứa nào lăn ra ăn vạ là tôi ngứa mắt liền, nhưng nhìn tụi đàn ông kia bị dằn mặt, thấy đã quá trời!】
【Cặp vợ chồng kia hiền quá mức, không có nữ phụ thì cái nhà này bị vơ vét sạch rồi còn gì.】

“Cảm ơn dì Trương, cảm ơn chú Lý ạ.”

“Con ngoan lắm.”

“Ô kìa!”

Chú Lý cúi xuống nhặt một tờ giấy không biết rơi ra từ lúc nào, cười vui vẻ:

“Lại được 100 điểm nữa hả? Duyệt Duyệt giỏi quá trời luôn!”

Mẹ tôi bước tới, phủi bụi trên người tôi:

“Con gái mẹ thật là giỏi quá!”

Ba tôi đón lấy tờ bài thi, nhìn đi nhìn lại, trong mắt ngập tràn ý cười.

Mẹ tôi nói:

“Chị Trương, anh Lý, tối nay đừng nấu cơm nữa, qua nhà em ăn cho vui.”

Trong bữa cơm, tôi mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện qua lời người lớn.

Công trình ba tôi đang làm bị bỏ dở giữa chừng, chủ thầu chưa thanh toán đã cao chạy xa bay.

Công nhân không được trả lương, nên bắt đầu gây chuyện.

Chỉ vì chủ thầu là đồng hương với ba tôi, bình thường chào hỏi vài câu thân thiện, mà ba lại bị đám người quen thói bắt nạt coi như “quả hồng mềm dễ bóp”.

Ba không những không nhận được tiền lương, mà còn móc tiền túi ra giúp đỡ mấy người làm chung đang khó khăn.

Thấy ba buồn bã ủ rũ, tôi bất chợt lóe lên một ý tưởng, kéo tay áo mẹ:

“Mẹ ơi, tiệm bánh bao gần trường con dở lắm, không ngon bằng mẹ làm đâu.”